Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cà Mau, Quảng Ngãi và Tuyên Quang. Dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định và 2 đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu và bày tỏ tán thành với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để phù hợp với xu hướng quốc tế và phù hợp với chủ trương của Đảng, với Hiến pháp Việt Nam. Đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ, lộ trình theo kết luận của Bộ Chính trị và yêu cầu của Quốc hội.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, việc thu hẹp hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án là có cơ sở pháp lý và phù hợp với xu thế tiến bộ. Phân tích làm rõ việc có nên bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án vào trong Bộ luật Hình sự với tư cách là một hình phạt chính hay không, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc bổ sung nội dung này vào dự án luật. Bởi những lý do: Khi bổ sung hình phạt tử hình đối với một số tội và thay bằng hình phạt tù chung thân đã thể hiện tính nhân đạo của Đảng và nhà nước ta. Trong bộ luật đã bỏ bớt hình phạt tử hình thì cũng phải có những loại hình phạt thay thế để bảo đảm tính nghiêm khắc, răn đe cao...

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng tại Điều 39a, về Tù chung thân không xét giảm án, trong điểm a, khoản 2 quy định việc không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi việc quy định như trên là rất đầy đủ, thể hiện rõ bản chất nhân đạo, nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa và pháp luật nước ta. Tuy nhiên, trong điểm a, khoản 2 quy định việc không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đại biểu còn băn khoăn, chưa rõ điều này căn cứ vào mặt thực tiễn hay khoa học, vì người 70 tuổi thuộc diện khó khăn thì đã được hưởng trợ cấp. Liên quan đến khoản 6, Điều 63 dự án luật quy định, đối với người bị kết án phạt tù chung thân không xét giảm án được ân giảm xuống tù chung thân thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm. Đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng nếu khi tuyên án ở tuổi 75, đến khi được giảm lần đầu là 100 tuổi và chấp hành ít nhất 105 tuổi, điều này trong thực tế sẽ rất ít khi xảy ra. Do đó, đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại quy định trên.

Ngoài ra, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng phân tích làm rõ và đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với loại hành vi sản xuất buôn bán hàng giả thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ và tham ô tài sản và các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy; không bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy vào trong Bộ luật Hình sự vì đã từng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và được bãi bỏ từ năm 2010 do người sử dụng chất ma túy được pháp luật coi là người bệnh...

Tin: Văn Trọng, Ảnh: PV

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202505/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-nam-dinh-tham-gia-thao-luan-tai-to-ve-cac-du-an-luat-47b3525/