Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có văn bản triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cùng với dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 05/5/2025 và bế mạc vào sáng ngày 28/6/2025 với khối lượng công việc đặc biệt lớn và nhiều nội dung quan trọng.
Kỳ họp này, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) và được chia thành 02 đợt (Đợt 1: 05/5-28/5; Đợt 2: 11/6-28/6).
Xem xét sửa đổi Hiến pháp – Nội dung đặc biệt quan trọng
Điểm nhấn quan trọng hàng đầu của Kỳ họp thứ 9 là công tác lập hiến với việc xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nội dung có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, định hình nền tảng pháp lý cao nhất của quốc gia.
Theo đó, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua: Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Khối lượng lập pháp đồ sộ với 30 dự án luật, 07 nghị quyết
Theo Chương trình kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 30 dự án luật và 07 nghị quyết, bao trùm các lĩnh vực, gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Luật Thuế (TTĐB, TNDN), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi), Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, các luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án, Viện Kiểm sát, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, hành chính, hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Ngoài ra, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nếu các dự án luật này đủ điều kiện và được chuẩn bị tốt. Chương trình kỳ họp cũng dự kiến khả năng xem xét, thông qua các luật, nghị quyết khác để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc được bổ sung theo quy định.
Bên cạnh đó, 07 dự thảo Nghị quyết quan trọng cũng dự kiến được thông qua, bao gồm các nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, sửa đổi Nội quy kỳ họp, thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự, Trung tâm Tài chính tại Việt Nam, cơ chế đặc thù cho Hải Phòng và các dự án BOT giao thông, giảm thuế GTGT cho cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 06 dự án luật khác, gồm Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Dẫn độ, Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự.
Xem xét nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và quyết sách quan trọng
Kỳ họp sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình triển khai năm 2025. Báo cáo ngân sách dự kiến bao gồm các nội dung chi tiết như bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tác động của sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí; việc phân bổ ngân sách sau sáp nhập tỉnh.
Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 (kèm báo cáo về quyết toán kinh phí phòng chống COVID-19 giai đoạn 2020-2022, xử lý kiến nghị kiểm toán, xóa nợ thuế...); xem xét các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bình đẳng giới năm 2024.
Các quyết sách quan trọng khác Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định gồm: Thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch và phê chuẩn thành viên; thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; quyết định chủ trương hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và bố trí nguồn thanh toán nợ tại SBIC.
Hoạt động giám sát tối cao
Hoạt động giám sát tối cao tiếp tục được thực hiện thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; xem xét, thông qua Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Với chương trình nghị sự dày đặc và nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết sách kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời gian tới./.