Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Xem xét, cho ý kiến nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng

Từ ngày 18 đến ngày 24/5, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 3 với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội biểu quyết thông qua hàng loạt luật và nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến hệ thống pháp luật và đời sống xã hội.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 21/5. Ảnh: Phạm Thắng

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 21/5. Ảnh: Phạm Thắng

Nhiều bộ luật, nghị quyết được thông qua

Trong tuần qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14. Đáng chú ý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Trong tuần làm việc, Quốc hội cũng thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024. Cùng với đó, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1...

Thống nhất rút ngắn nhiệm kỳ và xác định ngày bầu cử

Sáng ngày 21/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Nội dung này được đưa ra nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Đây là một trong những nội dung được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu Quốc hội thống nhất rằng, việc rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới là rất cần thiết để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức bầu cử, đồng thời, bảo đảm sự liên tục và ổn định trong hoạt động của bộ máy Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận và cho ý kiến về việc ấn định ngày bầu cử toàn quốc. Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031 sẽ diễn ra vào Chủ nhật, ngày 17/5/2026. Thời điểm này được đánh giá là phù hợp, đảm bảo thuận lợi cho cử tri đi bầu cử và cho công tác tổ chức, điều hành.

Ngay sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 199/2025/QH15 về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND, các cơ quan, tổ chức hữu quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Việc thống nhất thời điểm và rút ngắn nhiệm kỳ là bước chuẩn bị quan trọng, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm và nghiêm túc của Quốc hội trong công tác lập pháp và tổ chức bộ máy Nhà nước.

Lê Hà (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-xem-xet-cho-y-kien-nhieu-du-an-luat-nghi-quyet-quan-trong-post490367.html