Đại biểu Quốc hội tỉnh cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường sáng 24/5.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với bố cục, sự cần thiết ban hành Nghị quyết và nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Để tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị việc sử dụng một số cụm từ tại một số điều, khoản cần xem lại cho phù hợp với từng nguồn vốn, như các cụm từ chủ đầu tư, chủ đầu tư dự án, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng… để phân biệt rõ các nguồn vốn khác nhau.
Cho rằng quy định: “Trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch của người mua, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội” tại khoản 3, Điều 8 dự thảo luật là chưa hợp lý, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần làm rõ thêm đối với nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng Quỹ Nhà ở quốc gia hoặc bằng vốn Nhà nước thì việc xác định giá bán, giá thuê mua thực hiện như thế nào? Đồng thời cần làm rõ chi tiết, cụ thể hơn một số điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 9 dự thảo luật...