Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV: Thảo luận các dự án Luật

Chiều 31/5, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Bùi Minh Châu- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Trà Vinh.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Minh Châu chủ trì phiên thảo luận tổ.

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Các đại biểu cũng tán thành việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình như về thông tin, truyền thông, giáo dục; tư vấn, hòa giải; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; quy định về báo tin, tố giác và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… Đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.

Về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo các đại biểu, việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm các nội dung: Xác định cụ thể một hoặc một số hình thức công khai thông tin có tính bắt buộc; quy định cụ thể trường hợp nào thì toàn thể cử tri, trường hợp nào thì chỉ có các cử tri đại diện hộ gia đình được tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương. Bổ sung quy định về cơ chế thực hiện để bảo đảm các nội dung cộng đồng dân cư quyết định phải được đưa ra bàn bạc, thảo luận trước đó, trường hợp không tổ chức họp thì ý kiến của người dân cũng cần được thu thập bằng các hình thức linh hoạt khác nhau… Các đại biểu tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân.

Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mô hình tự quản (như Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ bảo vệ dân phố, Đội dân phòng...) để có định hướng tổ chức, sắp xếp lại một cách có hiệu quả hơn.

Khổng Thủy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/ky-hop-thu-ba-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-cac-du-an-luat/184615.htm