Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về một số dự án luật

Sáng ngày 10/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 5 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu: Bùi Văn Phương, Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng dự án này có tác động trực tiếp đến hoạt động xúc tiến và phát triển thị trường lao động thông qua việc ký kết các Điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về lao động giữa Việt Nam và các thị trường lao động ở nước ngoài.

Dự án luật đã mở rộng đối tượng đối điều chỉnh đối với người lao động theo hình thức thỏa thuận, tiếp nhận lao động giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam với địa phương nước nhận lao động. Các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có quy định chặt chẽ đối với các tổ chức đại diện người Việt Nam ở nước ngoài, đảm bảo yêu cầu bảo hộ công dân nhất là trong bối cảnh ASEAN mở cửa thị trường lao động tự do.

Cần cân nhắc và khuyến khích đối với các loại lao động trình độ kỹ thuật cao khi đi xuất khẩu lao động, đảm bảo sau khi họ được tiếp cận với nền khoa học, trình độ quản lý tiên tiến ở nước ngoài thì có thể vận dụng ở trong nước sau khi kết thúc thời hạn lao động ở nước ngoài.

Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên phối hợp với các cơ quan chức năng để tránh tình trạng chồng chéo các quy định với dự án Luật Thỏa thuận Quốc tế.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vẫn còn nhiều quy định mang nặng hình thức "xin – cho" gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng: quy định "Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn 5 năm; được gia hạn nhiều lần, mỗi lần là 5 năm" (khoản 2, điều 11) là không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu: Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thanh, Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho đây là đạo luật cơ bản điều chỉnh các vấn đề xử lý vi phạm hành chính và là 1 trong những bộ luật có giá trị thực tiễn rất cao. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm "tái phạm" được ghi ở khoản 5 điều 2.

Các đại biểu cũng cho rằng, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, dự án Luật sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực là rất cần thiết với yêu cầu thực tiễn của đời sống hiện nay, đồng thời đảm bảo tính răn đe phòng ngừa việc vi phạm hành chính. Tuy vậy, các đại cũng cho rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực là chưa hợp lý, chưa cần thiết. Vì vậy đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu có các quy định đảm bảo sự hài hòa, hợp lý giữa mức xử phạt các lĩnh vực.

Ngoài hình thức phạt tiền, biện pháp hữu hiệu là thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật"...

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết, dự án luật: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình về nhân sự để bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2021 đối với ông Vương Đình Huệ; Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải, sau đó, Quốc hội thảo luận ở đoànvề các nội dung nhân sự trên.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xiv-thao-luan-ve-mot-so-dy-an-luat-2020061008575171p12c16.htm