Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Ngày mai (20/7), kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. chương trình kéo dài 11,5 ngày, sẽ thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kiện toàn nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước.

Ngày mai (20/7) 499 đại biểu Quốc hội sẽ chính thức nhận nhiệm vụ của mình trước cử tri và nhân dân cả nước.

Cụ thể, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (nếu có); phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.

Đặc biêt tại kỳ họp này, một nhiệm vụ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra, đó là phải sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII thành Luật pháp, cơ chế, chính sách để thực thi, qua đó đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống. Nhất là khi Nghị quyết Đại hội, đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội phải tạo ra sự đột phá về thể chế, để có thể đặt nền móng cho đất nước đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Kỳ vọng về một nhiệm kỳ Quốc hội mới với những thay đổi cả về chất và lượng. Cụ thể cho vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quyết định các vấn đề quan trọng càng sớm sẽ càng thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đồng bộ. Do vậy tới đây, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khóa XV là rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tinh thần Quốc hội kiến tạo phải được thể hiện rõ, phải có tính dẫn dắt, chủ động trong xây dựng danh mục xây dựng luật, pháp lệnh; cùng với đó, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong xây dựng luật, pháp lệnh, cương quyết giữ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đồng bộ và chất lượng.

Thành Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-xem-xet-quyet-dinh-cac-van-de-quan-trong-cua-dat-nuoc-post145326.html