Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận về một số dự án Luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sáng 11/11, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra các dự án Luật: Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Qua thảo luận, các đại biể cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Các đại biểu cũng góp ý cụ thể về: quy mô đầu tư của dự án PPP; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP; quy định về chia sẻ rủi ro trong đầu tư dự án hợp tác công tư...
Theo đó, nhiều đại biểu đề nghị việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Trước đó, vào phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Minh Ngọc