Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Cần phân tích rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, ngày 22-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, tránh việc “phanh đột ngột”

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cũng bày tỏ đồng tình với những kết quả về kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2022.

Theo đại biểu, sau một thời gian dài trải qua nhiều khó khăn thì những kết quả này là rất đáng phấn khởi nhưng cũng không nên hài lòng và cũng không nên chủ quan.

Góp ý thêm vào báo cáo của Chính phủ, đại biểu đặc biệt nhấn mạnh thêm về những khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022. Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 22-10. Ảnh: VPQH

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 22-10. Ảnh: VPQH

Quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong thời gian tới của kinh tế - xã hội. Đó là những khó khăn của doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn; vấn đề áp lực giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất.

Thống nhất với những quan điểm đã nêu trong báo cáo của Chính phủ song đại biểu Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên phân tích rõ hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, xem khó khăn nằm ở lĩnh vực nào và những khó khăn chủ yếu là gì.

“Qua trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, tôi nhận thấy có hai điều khó khăn mà doanh nghiệp hiện nay gặp phải. Đó là về tiếp cận vốn và áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu”, đại biểu nói.

Phân tích sâu hơn về tiếp cận vốn, đại biểu tỉnh Thái Bình cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp nói rằng có nguy cơ bị đổ vỡ về hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu như dòng vốn không được tiếp tục. Do vậy, đại biểu nhất trí với Chính phủ trong việc phải kiểm soát dòng vốn, để bảo đảm tính liên tục, tránh việc “phanh đột ngột” của cộng đồng doanh nghiệp.

Đi sâu vào việc áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, qua đi giám sát các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thì hầu hết doanh nghiệp đều nói rằng, việc tăng giá nguyên liệu cho hoạt động đầu tư, xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi nếu càng làm thì càng lỗ.

“Bài toán của doanh nghiệp là phải cân đối giữa việc nếu không làm thì bị phạt, còn tiếp tục làm thì sẽ bị thua lỗ”, đại biểu Phan Đức Hiếu phân tích và mong muốn Chính phủ sẽ có những giải pháp kịp thời để giải quyết vấn đề này.

Một vấn đề nữa khiến đại biểu Phan Đức Hiếu băn khoăn là trong bối cảnh dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, số doanh nghiệp giải thể và rút khỏi thị trường đều khá lớn. Cùng với đó, con số doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng khá lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê 9 tháng đầu năm 2022, có 163 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 38,6%. Nhưng ngược lại, cũng có đến 112,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng đến 24,8%.

“Con số này cho thấy rõ sự khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp”, đại biểu chia sẻ và mong Chính phủ sẽ quan tâm, nghiên cứu thêm về con số này.

Không nên chủ quan

Cũng thống nhất cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong trạng thái dần phục hồi sau Covid-19 nhưng với mức tăng trưởng GDP khá cao, ổn định được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng không nên chủ quan với kết quả này.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa). Ảnh: VPQH

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa). Ảnh: VPQH

“Phải nói rằng, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn để bảo đảm cho quá trình tiếp tục phục hồi, phát triển, duy trì sản xuất và phát triển sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu tiếp tục khó tiếp cận dòng vốn tín dụng như hiện nay thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản”, đại biểu nói.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ dành sự sự quan tâm nhiều hơn và đánh giá đúng mức về các giải pháp để bảo đảm tháo gỡ cho các doanh nghiệp ổn định, tiếp tục ổn định sản xuất, bởi lẽ đây là một trong những thành phần quan trọng đóng góp chủ yếu, chủ lực cho nền kinh tế được ổn định và phát triển.

“Chính phủ cần đánh giá sớm về các giải pháp để bảo đảm cho nền sản xuất chúng ta tiếp tục ổn định và thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới”, đại biểu đề nghị.

CHIẾN THẮNG - NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-can-phan-tich-ro-hon-nhung-kho-khan-cua-cong-dong-doanh-nghiep-708843