Kỳ I: Muôn nẻo đường vi phạm

Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ liên quan đến thanh, thiếu niên, học sinh có những diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc đau lòng. Khi các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra, người nhẹ thì mang thương tật, người nặng thì tử vong, để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, đảm bảo an toàn giao thông cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh đã trở thành vấn đề cấp thiết và cần thiết.

Bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi thanh, thiếu niên

Học sinh vi phạm TTATGT bị CSGT, Công an TX Phú Thọ lập biên bản xử lý.

Học sinh vi phạm TTATGT bị CSGT, Công an TX Phú Thọ lập biên bản xử lý.

Những vụ việc ám ảnh!

Quan sát trên các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị, không khó khi bắt gặp hình ảnh học sinh, thanh, thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và và xe gắn máy phóng tốc độ cao, đánh võng, lạng lách... Tại TP Việt Trì, những nơi có các điểm trường THPT vào giờ tan học, dễ nhận thấy tình trạng học sinh mặc áo đồng phục điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và xe gắn máy lao vun vút, nhiều em (cả người điều khiển phương tiện và người ngồi sau) không đội mũ bảo hiểm. Tại những điểm giao nhau trên các tuyến đường, các em vô tư tạt ngang, tạt dọc... mà ít khi quan sát trước sau, thậm chí không bật tín hiệu đèn xi nhan để qua đường, vượt đèn đỏ... Một số trường hợp chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô còn chở quá số người quy định, đèo ba, lạng lách, đánh võng, trêu đùa nhau khi đang tham gia giao thông... Đây là một trong những nguyên nhân dễ xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng.

Có thể dẫn chứng ra đây một số vụ việc điển hình, có nguyên nhân do thanh, thiếu niên, học sinh tham gia giao thông gây nên như: Vào hồi 17h45 phút, ngày 18/4/2024, tại đường Hùng Vương, thuộc khu 6A, phường Nông Trang, TP Việt Trì, xe mô tô BKS 19AA-07599 do Vũ Hoàng, sinh năm 2008 (học sinh lớp 10C1, Trường THPT Vũ Thê Lang) điều khiển chở Lê Phú, sinh năm 2008 (học sinh lớp 10C9, Trường THPT chất lượng cao Văn Lang) đâm vào xe mô tô BKS 19H3-5264 do anh Nguyễn Minh Thọ, sinh năm 1971, ở phường Vân Phú, TP Việt Trì điều khiển. Cú va chạm mạnh khiến anh Thọ bị thương, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và tử vong sau đó 5 ngày.

Công an huyện Đoan Hùng xử lý học sinh vi phạm TTATGT.

Công an huyện Đoan Hùng xử lý học sinh vi phạm TTATGT.

Hay như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 20h40' ngày 19/06/2024, tại Km 77+400 Quốc lộ 2 thuộc khu 5, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Theo đó, trên xe mô tô BKS 36B6-985.07 chở 2 người là Dương Khánh Tùng và Nguyễn Anh Đức, sinh cùng năm 2008, đều ở xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An do đi với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái đã tự đâm vào bờ tường nhà bà Nguyễn Thị Minh, sinh năm1945, ở khu 5, xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Hậu quả cả Tùng và Đức tử vong trên đường cấp cứu. Đến hôm nay, gia đình và bạn bè vẫn không thể nào quên được vụ TNGT đã cướp đi sinh mạng của 2 nam sinh.

Nhiều vụ việc đau lòng từ TNGT mà người gây ra là các thanh, thiếu niên, học sinh khiến cho tình trạng mất ATGT diễn biến phức tạp. Có thể thấy, những mất mát do TNGT gây ra luôn là nỗi đau, sự ám ảnh của nhiều gia đình, nhất là khi nạn nhân đang là học sinh, thanh, thiếu niên... để lại bao dự định, ước mơ còn dang dở.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT, Thiếu tá Lê Xuân Tú - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh nhận định: Các vụ TNGT liên quan đến học sinh, nhất là người chưa đủ tuổi tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc xẩy ra rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do chủ phương tiện không quan sát, không hiểu các quy định của pháp luật, biển báo khi tham gia giao thông, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, phóng nhanh, vượt ẩu...

Vẫn còn “khoảng trống” trong nhận thức

Hiện nay, quy định hiện hành không bắt buộc nhóm đối tượng sử dụng phương tiện là xe máy điện, xe gắn máy phải có chứng chỉ điều khiển mà chỉ cần các em đủ 16 tuổi trở lên, đối với xe đạp điện thì lại không quy định độ tuổi được phép lái. Trong khi đó, chương trình đào tạo kiến thức về ATGT ở các cấp học cũng chưa được đưa vào chính khóa, chủ yếu lồng ghép qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, hoạt động trải nghiệm. Vì thế, nhiều học sinh còn thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, thiếu kỹ năng xử lý các tình huống khi lưu thông, chưa nắm rõ các quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, lực lượng chức năng để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành TTATGT còn hạn chế, dẫn đến tâm lý khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, gia đình. Trong khi đó, việc xử phạt của lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn... khiến các vụ việc liên quan ATGT trong lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên vẫn còn có những diễn biến phức tạp.

Một số học sinh trên địa bàn TP Việt Trì không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba khi tham gia giao thông.

Một số học sinh trên địa bàn TP Việt Trì không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba khi tham gia giao thông.

Đại úy Lê Cẩm Thiêm - Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Việt Trì nhận định: Qua các vụ việc lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT đường bộ cho thấy, đa phần học sinh, sinh viên sử dụng xe máy điện, xe đạp điện đều do bố mẹ, phụ huynh mua và chưa hiểu thực tế các quy định của pháp luật về sử dụng loại xe này như thế nào. Đáng quan tâm là khi bị lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản thì bố mẹ, gia đình... vận dụng các mối quan hệ, tác động để các cháu không bị xử lý. Thậm chí nhiều trường hợp đã xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm mặc dù đã được cơ quan Công an tuyên truyền và bố mẹ nhắc nhở. Một nguyên nhân nữa là bản thân các em trong độ tuổi muốn khẳng định mình, suy nghĩ còn nông nổi, muốn làm theo ý thích của bản thân. Nhiều trường hợp bố mẹ, gia đình giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, còn bao che, tìm cách cho con trốn tránh không bị cơ quan chức năng xử lý như gửi xe bên ngoài nhà trường, khi kiểm tra thì giấu xe đi để không bị phát hiện... nên đã tạo điều kiện cho các vi phạm về ATGT tái diễn.

Thực tế cho thấy, đa phần các em vi phạm đều chưa có sự trưởng thành về nhận thức xã hội, bên cạnh đó là sự thiếu chặt chẽ trong việc quản lý phương tiện tại gia đình.

Theo thống kê, tại tỉnh Phú Thọ, trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có trên 4.000 trường hợp là học sinh vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Trong tháng 4 và tháng 9 năm 2024, đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại về người là các em học sinh của huyện Hạ Hòa và huyện Cẩm Khê. Thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1-31/10, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 1.815 trường hợp vi phạm TTATGT liên quan đến học sinh, phạt tiền trên 678 triệu đồng; tạm giữ 846 phương tiện, trong đó 317 trường hợp vi phạm lỗi giao xe cho người chưa đủ điều kiện, 514 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, 5 trường hợp chở quá số người quy định, 759 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 21 trường hợp không chấp hành tín hiệu giao thông.

Do vậy, để ngăn ngừa TNGT trong lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên cần phải có các giải pháp đồng bộ từ nhà trường, gia đình, xã hội, nhất là những giải pháp căn cơ trong công tác tuyên truyền, quản lý và xử phạt nghiêm minh, kịp thời để răn đe, nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đối với lứa tuổi học đường...

>>> Kỳ II: Đồng bộ các giải pháp

Huy Thắng -Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-i-muon-neo-duong-vi-pham-224333.htm