Kỳ I: Sự chuyển mình của kinh tế hợp tác
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, hoạt động kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, không chỉ góp phần giải quyết nhiều hạn chế của kinh tế hộ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ mà còn thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực và đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương và của tỉnh.
Hiện nay, đa số HTX đang áp dụng mô hình quản lý thành viên Hội đồng quản trị kiêm Ban giám đốc để tinh gọn bộ máy, riêng đối với các Quỹ tín dụng nhân dân thì áp dụng mô hình Hội đồng quản trị tách biệt với Ban giám đốc.
Việc áp dụng các mô hình hoạt động được thực hiện tùy theo điều kiện nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động, quy mô của HTX, vừa tạo sự chủ động, linh hoạt, kịp thời ra quyết định trong điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự minh bạch, giám sát, thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy, giúp bảo toàn vốn và phát triển thành viên.
Đặc biệt, sau khi triển khai, tổ chức lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012, phương thức hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các HTX đã có những chuyển biến đáng kể: Bộ máy tổ chức được tinh gọn, năng động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX, vai trò của HTX trong chăm lo đời sống của thành viên được được nâng lên rõ rệt, điển hình như: HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Thạch Sơn, HTX nông nghiệp và dịch vụ điện năng Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao); Quỹ tín dụng nhân dân Hùng Lô (Việt Trì), Quỹ tín dụng nhân dân Bằng Luân (huyện Đoan Hùng)…
Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình mới tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa, từng bước tham gia ngày càng sâu và các chuỗi giá trị, tiêu biểu như sản phẩm thịt chua (HTX thịt chua Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn), mì gạo (HTX mì gạo Hùng Lô, TP Việt Trì), rau an toàn (HTX rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao), chè xanh (HTX chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn), bưởi đặc sản Đoan Hùng (các HTX sản xuất kinh doanh bưởi huyện Đoan Hùng)...
Điển hình trong sự chuyển mình rõ rệt sau khi chuyển đổi mô hình phải kể đến HTX nông nghiệp và dịch vụ điện năng Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao. Tiền thân là HTX Nông nghiệp Vĩnh Lại (được hợp thành từ ba HTX: Vĩnh Tường, Văn Điểm, Trịnh Xá) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thủy lợi và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2000, HTX chuyển đổi thành HTX Nông nghiệp và dịch vụ điện năng Vĩnh Lại. Từ đó, hoạt động của HTX đã có nhiều chuyển biến.
Thay vì được phân công, chỉ định như trước đây, các thành viên tự nguyện xin góp vốn tham gia vào HTX để được sử dụng các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt nhất với chi phí thấp nhất đồng thời được bàn và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo từng năm và cho cả nhiệm kỳ.
Trong sản xuất nông nghiệp, HTX thực hiện cơ giới hóa toàn phần từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch sản phẩm. Từ đó, giúp đảm bảo thời vụ, giải phóng sức lao động cho nhân dân, giảm chi phí đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch một phần lao động nông nghiệp sang ngành nghề khác có thu nhập cao.
Trong tổ chức sản xuất, HTX lựa chọn các giống cây trồng chất lượng cao như: J02; thơm RPT, Bắc Thịnh; Thái Xuyên 111… để trồng, chăm sóc, không chỉ cung cấp giống cho toàn bộ các cánh đồng trên địa bàn mà còn bán cho một số công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện việc liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa.
HTX thuê đất công ích của UBND xã và các hộ dân không có nhu cầu sản xuất để tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao và sản phẩm hàng hóa với quy mô tập trung, phát triển bền vững. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp và nông dân để sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo và nông sản trên địa bàn, hạn chế thấp nhất tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn nông dân đổi mới tư duy từ "Sản xuất nông nghiệp đơn thuần" sang mô hình "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp xanh" với mục tiêu giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp mà vẫn gia tăng hiệu quả kinh tế… nên được người dân đồng tình ủng hộ…
Không ngại thay đổi, dám nghĩ, dám làm, chủ động vượt khó, hoạt động của HTX nông nghiệp và dịch vụ điện năng Vĩnh Lại đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tăng tối thiểu từ 15 – 20% so với trước. Tổng doanh thu của HTX trong năm 2021 đạt gần 24 tỉ đồng, hiệu quả dịch vụ, sản xuất kinh doanh đạt gần 1,3 tỉ đồng, tăng 157 triệu đồng so với cùng kỳ. Sản lượng lúa thu được thường xuyên đạt mức cao (khoảng 7,3 tấn/1ha), thu nhập của người lao động thường xuyên trong HTX đạt từ 6,7 – 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Với những kết quả đó, HTX đã giúp xã Vĩnh Lại hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới để về đích năm 2015 đồng thời phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
>>>Kỳ II: Hướng đi cho sự phát triển bền vững