Kỳ II: Bất cập trong quản lý, khai thác công trình cấp nước

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng trong quá trình triển khai, Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn (VSNT) còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong số 96% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thì chỉ có hơn nửa trong số đó được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, toàn tỉnh đang có gần 29% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém bền vững và không hoạt động.

Công trình Nhà máy nước xã Gia Minh, huyện Gia Viễn xây dựng dở dang, nay bị bỏ hoang.

Công trình Nhà máy nước xã Gia Minh, huyện Gia Viễn xây dựng dở dang, nay bị bỏ hoang.

Nhiều khu dân cư vẫn đang "khát" nước sạch

Quay trở lại xã Gia Minh (huyện Gia Viễn), mặc dù phần lớn bà con trong xã đã được tiếp cận với nước sạch, tuy nhiên trên địa bàn vẫn còn 29 hộ dân thuộc xóm Lò (một xóm nằm ngoài đê, cách xa trung tâm xã) chưa có nước sạch để sử dụng. Tìm về đây chúng tôi mới "thấu" cái nghịch cảnh "nhà cao cửa rộng", nhưng cái tối thiểu, quan trọng nhất đó là nước sạch thì lại không có.

Chị Phạm Thị Nga, một người dân chia sẻ: Nhiều năm trước, chúng tôi đã bỏ khá nhiều tiền để đấu nối nguồn nước sạch từ xã Gia Thịnh về để sử dụng nhưng 3 năm trở lại đây, do đường ống bị hư hỏng nên mất nước. Nếu bây giờ chuyển sang dẫn nước từ trung tâm xã vào thì quá xa, bà con không kham nổi chi phí; còn đào giếng thì giếng có nước, giếng không có nước, nước giếng chua, đục như vũng trâu đằm hoặc mặn giống bỏ muối. Máy giặt, bình nóng lạnh... hầu như gia đình nào cũng sắm đủ cả nhưng nếu dùng nước giếng thì sẽ bị ố vàng, két bẩn nên giờ chỉ để trưng bày không dùng được. Nhà tôi hai vợ chồng mỗi tháng phải bỏ ra vài trăm nghìn để mua nước đóng bình về phục vụ ăn uống.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại thôn Cao Thắng (xã Đức Long, huyện Nho Quan). Thôn Cao Thắng nằm trong một thung lũng biệt lập bao quanh tứ bề là núi, cách xa trung tâm xã. Không chỉ trắc trở về địa lý, cuộc sống của khoảng 250 hộ dân với hơn 1 nghìn nhân khẩu ở đây còn vô cùng khó khăn khi chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Một người dân trong thôn chia sẻ: Hiện nay, người dân thôn Cao Thắng phải đầu tư nhiều chi phí, tiền của để tìm kiếm nguồn nước sạch.

Ông Nguyễn Văn Đình, Trưởng thôn cho biết thêm: Vùng này vào mùa mưa thường xuyên bị lũ lụt, các giếng đều ngập hết. Ngược lại vào mùa khô, nước giếng bị nhiễm phèn, mặn, không dùng cho ăn uống được. Chúng tôi mong mỏi có nước sạch sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Không ít công trình cấp nước "lỗi hẹn", dừng hoạt động

Trong khi, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khu dân cư mòn mỏi chờ đợi được sử dụng nước sạch từng ngày thì lại có không ít các công trình cấp nước tập trung nằm trong tình trạng xây dựng dở dang hoặc đã hoàn thiện nhưng không còn hoạt động nhiều năm nay. Công trình cấp nước sạch tập trung ở xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) là một ví dụ.

Ông Bùi Như Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Công trình cấp nước sạch của xã được xây dựng cách đây hàng chục năm nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì dừng. Nguyên nhân là do địa bàn xã quá rộng, dân cư lại sống thưa thớt nên tỷ lệ thất thoát nước cao. Hơn nữa, ở vùng này, hầu như nhà nào cũng có giếng, nguồn nước này khá dồi dào và chất lượng cơ bản đảm bảo nên tỷ lệ số dân dùng nước máy thấp, lượng nước sử dụng ít. Chính vì vậy, nguồn thu của nhà máy không đủ để bù lại chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan đã có tới hàng chục trạm cấp nước sạch bị hư hỏng, bỏ hoang tại các xã Lạng Phong, Quảng Lạc, Yên Quang, Phú Long, Quỳnh Lưu, Văn Phong, Cúc Phương, Kỳ Phú, Đức Long, Thạch Bình... Còn theo thống kê từ Sở Nông nghiệp&PTNT, trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có tất cả 109 công trình cấp nước tập trung thì có 37 công trình đã dừng hoạt động, hòa mạng với các công trình phụ cận.

Trong đó, ngoài 14 công trình được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn UNICEF trong giai đoạn 1992-2000 có quy mô nhỏ, cấp nước cho nhóm hộ gia đình, không hoạt động từ lâu thì có không ít những công trình quy mô toàn xã, công suất thiết kế hàng nghìn m3 / ngày đêm, với số vốn đầu tư cả chục tỷ đồng. Điều này không chỉ lãng phí mà còn gây dư luận và bức xúc trong xã hội.

Cái khó của nước sạch nông thôn

Ông Trịnh Quang Đông, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phân tích: Ở khu vực thành thị, chi phí đầu tư cấp nước, tỷ lệ thất thoát nước thấp hơn so với khu vực nông thôn do mật độ dân số thành thị cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân nông thôn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ nước sạch đạt thấp do bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước như nước giếng, nước ao, hồ, khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không mặn mà với sử dụng nước sạch. Số hộ dân dùng nước thực tế thấp hơn thiết kế gây khó khăn cho đơn vị quản lý. Hơn nữa, giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được cấp bù, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của công trình và việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Thực tế trên địa bàn tỉnh, các công trình do UBND xã quản lý hầu hết tiền thu được chỉ để chi trả những chi phí trực tiếp, không có tích lũy để sữa chữa, nâng cấp nên các công trình xuống cấp nhanh chóng. Do những cái khó nêu trên nên trong quá trình triển khai, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Trong số 96% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh thì chỉ có già nửa trong số đó được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Việt Nam. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 16 xã chưa được tiếp cận với nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung, 6 xã chỉ có công trình quy mô cấp thôn, chưa đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân toàn xã; 10 xã đã có công trình cấp nước hoặc được cấp nước từ các công trình lân cận nhưng tỷ lệ sử dụng dưới 40% tổng số hộ dân trong xã, 1 xã có công trình đang xây dựng, chưa hoạt động.

Ở một số địa phương, mặc dù người dân đã được tiếp cận với nguồn nước từ các công trình cấp nước sạch tập trung nhưng do công trình xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu, cán bộ vận hành nhà máy không có chuyên môn, nghiệp vụ, nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm... nên có lúc, có nơi nước cung cấp không đảm bảo chất lượng.

Bài, ảnh: NGUYỄN LỰU
(còn nữa)

Kỳ I: Những chuyển biến tích cực

Kỳ III: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong mục tiêu về nước sạch

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-ii-bat-cap-trong-quan-ly-khai-thac-cong-trinh-cap-nuoc/d20220518082157723.htm