Kỳ II: Các hộ dân tự nguyện tháo dỡ lò than trái phép
PTĐT - Ngày 16/12/2020, Báo Phú Thọ điện tử đã có bài phản ánh 'Người dân khốn khổ vì lò than trái phép (?)' phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt lò than trái phép và xây dựng các công trình vi phạm tại khu 2...
>>> Kỳ 1: Khốn khổ vì khói than
PTĐT - Ngày 16/12/2020, Báo Phú Thọ điện tử đã có bài phản ánh “Người dân khốn khổ vì lò than trái phép (?)” phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do đốt lò than trái phép và xây dựng các công trình vi phạm tại khu 2, xã Vụ Quang, huyện Đoan Hùng. Sau ba tháng, đã có 2/4 hộ có lò đốt than trái phép là anh Trương Văn Tùng và Trương Văn Tú đã tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất thổ cư của gia đình.
Tại nhà anh Trương Văn Tùng, một trong 4 hộ dân đốt than củi trái phép gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, chúng tôi tận mắt chứng kiến ba lò than đã được tháo ống khói, bỏ mái lợp, đổ đất nền san phẳng.
Bà Vũ Thị Phong, mẹ anh Tùng, cho biết: “Được sự vận động, thuyết phục của khu dân cư và chính quyền xã, gia đình tôi đã tự nguyện tháo dỡ các lò than gây ô nhiễm môi trường và chuyển đổi sang mô hình sản xuất gỗ bóc”. Không chỉ hộ anh Tùng, hộ anh Trương Văn Tú cũng đã ký vào bản cam kết với Ban Công tác mặt trận (CTMT) sẽ tháo dỡ các lò than trên đất thổ cư của gia đình vào tháng 4 tới đây.
Để đạt được kết quả trên, thì sự quan tâm, vào cuộc của Ban CTMT khu và chính quyền địa phương là yếu tố then chốt. Ông Phạm Như Đắc - Trưởng Ban CTMT khu 2 cho biết: “Xác định đốt than là phương kế mưu sinh của các hộ dân, các thành viên của Ban CTMT đã họp để đưa ra phương pháp vận động phù hợp. Vừa cứng rắn lại vừa mềm dẻo, phải tuyên truyền nhiều lần cho các hộ dân. Bên cạnh đó, chúng tôi tham mưu với UBND xã có phương án hỗ trợ các hộ chuyển đổi sang ngành nghề sản xuất khác”.Sau khi thông tin về các lò đốt than gây ô nhiễm môi trường được Báo Phú Thọ điện tử phản ánh, chính quyền xã Vụ Quang đã có nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm. Ông Nguyễn Kim Đô - Chủ tịch UBND xã cho biết: “UBND xã giao Ban CTMT khu vận động, thuyết phục các hộ dân. Bên cạnh đó, bố trí quỹ đất, ưu tiên các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế từ nguồn của Ngân hàng chính sách xã hội, chương trình “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” và hỗ trợ các thủ tục hành chính cần thiết”
Như vậy, trên địa bàn xã hiện vẫn còn 2 hộ đốt than trái phép là hộ ông Vũ Văn Huy và bà Lương Thị Lâm chưa chấp thuận tháo dỡ công trình vi phạm. Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thanh Hường - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Trong trường hợp các hộ dân còn lại không chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh khác thì huyện sẽ chỉ đạo UBND xã bố trí quỹ đất để di dời các hộ ra xa khu dân cư, đảm bảo các yếu tố về khoảng cách, môi trường.... Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp phép kinh doanh nếu đủ điều kiện. Nếu các hộ vẫn tiếp tục đốt than trong khu dân cư, huyện sẽ có biện pháp cưỡng chế, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”
Bằng các phương pháp “Dân vận khéo”, chính quyền và người dân bày tỏ tin tưởng khi các hộ đã chuyển đổi mô hình thành công thì sẽ tạo ra “phản ứng dây chuyền” tác động tới các hộ dân còn lại. Tình trạng đốt than trái phép gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện khi đó sẽ được giải quyết dứt điểm.