Kỳ II: Để 'mạch nguồn' văn hóa lan tỏa

Với mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học, nhân văn, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… nhân dân các dân tộc của Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đoàn kết, xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh, hiện đại.

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm trở thành một lễ hội mẫu mực trong cả nước.

Để văn hóa hội nhập và phát triển
Những năm qua, kinh tế cả nước nói chung và toàn tỉnh nói riêng liên tục tăng trưởng, đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Thực tế cho thấy, các nước phát triển đã rất thành công khi đưa văn hóa của quốc gia, dân tộc đi trước, làm “bàn đạp” để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế; sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, quá trình số hóa mọi mặt đời sống xã hội đã đem lại những cơ hội to lớn, đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ. Văn hóa là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm; kích thích tính sáng tạo, năng động; việc tiếp thu những điều tốt, điểm tương đồng, giá trị tích cực phải đi liền với sự tỉnh táo phòng ngừa, loại trừ những cái xấu, không phù hợp. Vì vậy, chủ động, mạnh dạn tiếp thu, tiếp nhận, tiếp biến, giao thoa phải đi liền với tinh tường, bản lĩnh, đưa văn hóa đất Tổ, văn hóa Việt Nam ra thế giới và hòa nhập văn hóa thế giới vào Việt Nam không chỉ nhằm góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước mà còn nhằm hiện thực hóa phương châm: Văn hóa là động lực, là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến nhanh tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giai đoạn 2000-2020, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chăm lo tới việc xây dựng đời sống văn hóa, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Đã có 88,5% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (tăng 39,5% so với năm 2000); 87,5% khu dân cư văn hóa (tăng 17,5%); 75,9% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 50% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới…Tín ngưỡng thờ cùng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó cũng là đặc trưng và minh chứng rõ nét trong việc đưa văn hóa Đất Tổ hòa nhập với thế giới song song với việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị độc đáo, riêng biệt của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Phú Thọ nói riêng. Nhiều năm qua, thực hiện “5 không” tại Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, Hát Xoan Phú Thọ và những đặc trưng riêng có đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của giới văn nghệ sĩ trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Nhạc sĩ Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh cho biết: “Song song với việc bảo tồn các giai điệu cổ, việc phát huy, quảng bá những giai điệu ấy đến với đại chúng là nhiệm vụ quan trọng không kém. Thông qua sự tiếp thu có chọn lọc với âm nhạc phương tây, các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng chất liệu Hát Xoan và dân ca Phú Thọ trong các tác phẩm âm nhạc của mình. Qua đó đưa đến công chúng, người nghe những bài hát với giai điệu, lời ca mang phong cách dân gian gần gũi, trên nền hòa âm, phối khí có sử dụng các loại nhạc cụ phương Tây, góp phần quảng bá văn hóa Phú Thọ, văn hóa Việt Nam đến với toàn thế giới”.Không chỉ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, với các môn thể thao xuất phát từ nước ngoài như: Bắn cung, võ thuật, bơi lội… sau khi được tiếp thu, vận dụng cùng kỹ thuật, kinh nghiệm, ý chí và sự nỗ lực của các HLV, VĐV đã trở thành môn thể thao mũi nhọn, thế mạnh, mang về nhiều thành tích cho thể thao Phú Thọ, góp phần quảng bá hình ảnh con người Phú Thọ đến cả nước và thế giới. Môn học giáo dục thể chất phát huy hiệu quả tích cực trong các trường học, góp phần cải thiện vóc dáng, thể trạng, kỹ năng… cho các em học sinh. Có thể thấy, trong mỗi lĩnh vực khác nhau, bằng trí tuệ và sự tiếp thu có chọn lọc, nền văn hóa ở Phú Thọ đã góp phần đưa hình ảnh Đất Tổ trở nên gần gũi, thân quen với bạn bè trong nước và quốc tế.

Nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Mường Thanh Sơn được bảo tồn, trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch.Phát huy nội lực xây dựng nền văn hóaBản sắc văn hóa là những dấu hiệu đặc trưng, những cái hay, nét đẹp, độc đáo để phân biệt văn hóa của cộng đồng này với cộng đồng khác, dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác xây dựng, phát triển văn hóa, hệ thống chính trị toàn tỉnh đã quán triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn, qua đó từng bước “khắc họa” rõ rét bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ trong nền văn hóa Việt Nam. Bề dày văn hóa Đất Tổ như “mạch nguồn”, để tiếp tục phát huy, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trước tác động của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần tạo nên một dòng chảy liên tục của truyền thống văn hóa dân tộc, từ lịch sử đến hiện đại, khẳng định bản sắc, bản lĩnh dân tộc. Nội lực văn hóa chỉ thực sự phát huy được sức mạnh khi trở thành tinh thần tự giác của mọi thành viên trong xã hội. Để tiếp tục phát huy nội lực, xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo đồng chí Hồ Đình Lưỡng- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới tư duy quản lý văn hóa gắn phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Mặt khác, chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các cơ quan báo chí, tuyên truyền của tỉnh cần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cơ quan chuyên môn cần tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chủ trương tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người văn hóa…

Lê Hoàng - Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202205/ky-ii-de-%E2%80%9Cmach-nguon%E2%80%9D-van-hoa-lan-toa-184322