Kỳ II: Giải bài toán cung - cầu về lao động
Nhiều lao động sau khi trở về từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước muốn có việc làm ổn định và gắn bó lâu dài tại quê hương. Thực tế, trên địa bàn tỉnh cũng có rất nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tuy nhiên, 'cung – cầu' giữa nguồn lao động và việc làm vẫn là bài toán khó và câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người lao động được tiếp cận với những việc làm phù hợp cũng như doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ số lao động theo các tiêu chí để có thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế.
Tại thời điểm tháng 10/2021, doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 4.000 lao động chủ yếu đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, may mặc do thời gian giãn cách, ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, một số dây chuyền sản xuất, phân xưởng tạm ngưng hoạt động, làm việc giãn cách, người lao động nghỉ việc tìm công việc mới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng có nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 300 lao động/doanh nghiệp. Đến tháng 12/2021, theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm - Sở LĐ,TB&XH, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 30 doanh nghiệp đang tiếp tục tuyển dụng lao động.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn từ vài trăm đến thậm chí cả nghìn công nhân như Công ty TNHH Sơn Hà Phú Thọ; Công ty thương mại Vina Kyung Seung; Công ty TNHH công nghiệp Hài Mỹ Phú Thọ; Công ty cổ phần may Sông Hồng…
Còn tại Công ty CP Gỗ Trung Hà – xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, là công ty chuyên sản xuất ván lát nền, ván công nghiệp và cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Ông Trần Vũ Thành – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: Trước kia, công ty chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ xuất khẩu.
Đến tháng 10/2021, công ty quyết định triển khai các kênh thị trường nội địa do đó thiếu khoảng 60 lao động gồm 30 công nhân làm việc trực tiếp tại nhà máy và 30 cán bộ kinh doanh ở các tỉnh.
Trong khi đó, tại nhiều địa phương có số lượng lao động trở về đông, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân do các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tuyển đủ số lao động cần thiết, nhiều lao động đã gắn bó với công ty hàng chục năm, có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm việc nên công ty không có nhu cầu tuyển dụng mới hay thay thế.
Đây cũng chính là thách thức và một trong những nguyên nhân khiến bài toán giải quyết việc làm cho lao động hồi hương trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu không chỉ là kết nối lao động và doanh nghiệp mà còn ở việc đào tạo, nâng cao trình độ cho lao động hồi hương nói riêng và lao động chưa qua đào tạo tại địa phương nói chung.
Mặc dù nhiều lao động đã có việc làm ổn định khi trở về quê hương tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề “cung – cầu” trong tuyển dụng lao động, giúp người lao động và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung thì một yếu tố rất quan trọng đó là công tác đào tạo nghề cho lao động.
Thực tế, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế: Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề còn thiếu nhiều so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực. Trong đó bao gồm cả các lao động đi làm ăn xa.
Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng vẫn cần có sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như tinh thần, ý thức trách nhiệm với công việc của chính những người lao động. Vì hiện nay có tình trạng một số công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhưng chưa có giải pháp tuyên truyền, kết nối để người lao động nắm được thông tin hoặc việc thực hiện các chế độ đãi ngộ, lương, thưởng của công ty chưa đảm bảo khiến người lao động chưa mặn mà gắn bó.
Bên cạnh đó, một số lao động còn có tâm lý trông chờ, ỉ lại, ngại làm việc khó, chưa nỗ lực học tập nâng cao trình độ dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng dẫn đến chưa có hoặc mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống.
Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, bản thân mỗi doanh nghiệp và người lao động cần chủ động tìm kiếm các giải pháp khắc phục khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lao động cũng như tìm kiếm các thông tin về thị trường lao động, việc làm. Để từ đó, mỗi người lao động đều có thể lựa chọn cho mình một việc làm phù hợp, “ly nông” nhưng không nhất thiết phải “ly hương”; các doanh nghiệp cũng mạnh mẽ và vững vàng hơn trong đại dịch COVID-19, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.