Kỳ II: Hướng đi cho sự phát triển bền vững

Mặc dù có những chuyển biến về phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng trong tổng số 579 HTX trên toàn tỉnh thì chỉ có 310 HTX đang hoạt động hiệu quả (chiếm 53,5%), tập trung chủ yếu ở các HTX mới thành lập. Điều này đặt ra yêu cầu về việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển các HTX một cách bền vững gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Hồng – Giám đốc HTX cho biết: Xã Phú Hộ được thiên nhiên ưu đãi cho thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Trước đây bà con chủ yếu trồng chè theo quy trình cũ bằng quả hạt cho năng suất, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, mỗi nhà lại có cách làm và phương thức sản xuất khác nhau dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng không đồng đều. Từ sau khi thành lập HTX, được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh, Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức, Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và chính quyền địa phương, nghề trồng chè ở xã Phú Hộ đã có những thay đổi rõ rệt.

Các thành viên tham gia HTX được tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình trồng chè điển hình ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, được tiếp cận với các giống chè mới, chất lượng cao như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên; Hương Bắc Sơn… và được chuyển giao về khoa học kỹ thuật, công nghệ cũng như máy móc hiện đại giúp việc trồng, chăm sóc, chế biến chè đạt hiệu quả cao hơn.

Hiện nay HTX sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra được đông đảo khách hàng ưa chuộng với giá thành ổn định. HTX hiện có hai sản phẩm được chứng nhận OCOP là: Sản phẩm chè xanh Phú Thọ (3 sao) và sản phẩm chè xanh đặc sản Phú Hộ (4 sao). Trong đó, năm 2021, sản phẩm chè xanh đặc sản Phú Hộ được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hồng, hoạt động của HTX hiện nay gặp không ít khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Thị trường chè chủ yếu sôi động vào dịp trước Tết Nguyên đán còn lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua của người dân cũng giảm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm của HTX chủ yếu theo các phương thức truyền thống nên hiệu quả chưa cao, chè thành phẩm chất lượng tốt nhưng HTX vẫn còn hàng tồn kho chưa bán hết…

Khó khăn của HTX sản xuất chế biến chè Phú Thịnh cũng là khó khăn chung của nhiều HTX. Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay thiếu định hướng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh dài hạn; nhiều HTX không thực hiện được chế độ kế toán, thống kê, báo cáo tài chính theo quy định; sự gắn kết giữa HTX với hộ thành viên thiếu bền chặt; đội ngũ cán bộ quản lý chưa được đào tạo, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật để hoạt động nên sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã bộc lộ những yếu kém.

Ngoài ra, các HTX chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu tính ổn định; năng lực phát triển thị trường còn hạn chế do vậy còn gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp và các tổ chức bên ngoài.

Đặc biệt, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành thì các thành viên HTX phải phát huy nội lực, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tích cực tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật... Có như vậy, HTX mới có thể phát triển một cách bền vững, khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương…

Nội dung: Vĩnh Hà/ Trình bày: Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202202/ky-ii-huong-di-cho-su-phat-trien-ben-vung-182953