Kỳ II: Kinh nghiệm và kỷ niệm!

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, cùng với hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19, ngày 27/7, tỉnh Phú Thọ đã cử đoàn công tác thứ 5 gồm 52 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế chi viện cho tỉnh Bình Dương. Sau hơn hai tháng chiến đấu với dịch COVID-19 ở trong tâm dịch, Đoàn chính thức hoàn thành nhiệm vụ, trở về tỉnh vào ngày 30/9. Hành trang ngày trở về của họ là những bài học kinh nghiệm quý giá và những ký ức không thể quên.

Cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Phú Thọ và Trung tâm y tế thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm trước giờ đoàn cán bộ của tỉnh chia tay Bình Dương trở về Đất Tổ.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết dành phần ai”

“Bản thân là những người hiểu rõ về dịch bệnh, cách phòng tránh và điều trị bệnh, nếu không xung phong lên đường chống dịch thì công việc này biết dành cho ai?” – đó là lập luận của Bác sỹ CKI Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Sản nhi tỉnh, Phó Trưởng Đoàn công tác dùng để thuyết phục người thân, gia đình yên tâm cho mình lần thứ hai xung phong lên đường để chiến đấu với dịch COVID-19. Và nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của chị cùng với các đồng nghiệp trong Đoàn công tác của tỉnh, những ngày đoàn ở Bình Dương, công tác kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 đã có những chuyển biến tốt hơn.

Bác sỹ Bùi Thị Đến tại tâm dịch Bình DươngChị Đến cho biết: Từng tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Nam phòng chống dịch COVID-19 (tháng 8/2020) nhưng tôi thấy môi trường làm việc tại Bình Dương lần này thực sự “khốc liệt” hơn rất nhiều. Cùng với đoàn Phú Thọ, lúc đó có đoàn cán bộ y tế của tỉnh Bắc Giang, đoàn sinh viên tình nguyện của một số trường đại học, cao đẳng y tế… cũng đang tham gia công tác hỗ trợ ở đây.

Tại Trung tâm y tế TP Thuận An, đoàn cán bộ y tế của tỉnh được phân công vào ba vị trí trọng điểm của bệnh viện: Cấp cứu, ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt) và Nội lồng ngực đây là những nơi tiếp đón, điều trị các người bệnh nặng nhất. Ngay khi nhận nhiệm vụ, nắm bắt tình hình thực tế, Đoàn cán bộ y tế của tỉnh đã nhanh chóng hòa nhập, tích cực phối hợp cùng các đồng nghiệp bắt tay vào vận hành công việc. Số lượng bác sỹ chuyên khoa ít trong khi đó bệnh viện điều trị các người bệnh nội khoa nặng, suy đa tạng, có bệnh lý nền, tiểu đường, tăng huyết áp… nên đối với các kỹ thuật khó, chuyên ngành, để khắc phục khó khăn, thiếu về nhân lực, các y bác sỹ đã hỗ trợ , hướng dẫn nhau để có thể thực hiện nhiệm vụ khi khẩn cấp.

Theo phân cấp, Trung tâm y tế tuyến huyện điều trị người bệnh tầng 2 (tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền…) nhưng có 90% số người bệnh đang điều trị tại đây thuộc tầng 3 – bệnh nhân nặng. Vì vậy, việc chăm sóc người bệnh tại đây cũng phải tuân thủ theo các quy trình hết sức nghiêm ngặt và được thực hiện theo cấp độ 1.

Chị Đến nhớ lại: Thời gian đầu khi vào hỗ trợ, số người bệnh nặng điều trị tại bệnh viện đông, trong khi đó nguồn lực, trang thiết bị y tế chưa thể đáp ứng kịp thời. Có đêm, chúng tôi chứng kiến 10 người bệnh tử vong vì diễn biến nặng và thiếu ô xy. Chúng tôi thực sự thấy rất buồn, người bệnh đang điều trị tại buồng bệnh cũng cảm thấy rất lo lắng, bất an. Nhưng ngay sau đó, anh chị em lại động viên nhau tiếp tục nỗ lực, cố gắng để cứu sống người bệnh, động viên họ nỗ lực vượt lên để chiến thắng bệnh tật. Vì vậy, câu nói mà chúng tôi nói với người bệnh nhiều nhất là: Các bác, các anh, các chị… thở đi, ăn đi cố gắng làm mọi việc trong khả năng có thể để giành lại sự sống.

Gác niềm riêng, tình nguyện lên đường

Điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Phương – Bệnh viện thị xã Phú Thọ khi tham gia đoàn công tác của tỉnh chống dịch tại tỉnh Bắc Giang…

Được biết, trong Đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ hỗ trợ tỉnh Bình Dương lần này, ngoài bác sĩ Đến còn có nhiều y, bác sĩ đã nhiều lần xung phong đi hỗ trợ tại các tâm dịch như điều dưỡng Đào Thị Thúy Loan – Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy từng tham gia chống dịch tại tỉnh Quảng Nam; các điều dưỡng Chu Việt Phú – Bệnh viện Sản nhi, Nguyễn Thị Lan Phương – Bệnh viện thị xã Phú Thọ từng tham gia đoàn công tác của tỉnh chống dịch tại tỉnh Bắc Giang… Trong đó, điều dưỡng Nguyễn Thị Lan Phương có hoàn cảnh khá éo le khi cả hai con đều còn nhỏ, chồng là sỹ quan quân đội, thường xuyên xa nhà nhưng đã không ngần ngại hai lần viết đơn xung phong vào tâm dịch.

... và tại tâm dịch Bình Dương

Phương tâm sự: Chồng em hiện đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 118, Sư đoàn 355, thường xuyên bận công việc nên ít khi được về thăm nhà. Năm nay, có mấy lần chồng em được về tranh thủ thì lại trùng với thời gian em đi chống dịch nên từ đầu năm đến nay hai vợ chồng chỉ được gặp nhau một lần. Mặc dù vậy nhưng khi em chia sẻ mong muốn được xung phong đi vào tâm dịch, anh ấy và gia đình đều rất ủng hộ. Ông bà ngoại đảm nhận việc trông cháu, bà nội ở Thanh Sơn cũng thường xuyên ra nhà em ở thị xã Phú Thọ hỗ trợ. Các con em dù còn bé nhưng mỗi khi có điều kiện gọi điện thoại cũng thường xuyên động viên bố mẹ sớm “bắn chết con COVID” để trở về. Nhờ có nguồn động viên đó mà em luôn cảm thấy vững vàng khi ở trong tâm dịch.

Làm điều dưỡng ở khu ICU của bệnh viện, Phương đã chứng kiến nhiều câu chuyện khó quên. Chị kể: Tại bệnh viện, bệnh nhân không có người thân đi cùng nên chúng em luôn coi họ như anh chị em, người nhà của mình. Có một bệnh nhân nam người miền Tây còn rất trẻ (sinh năm 1992), con chưa đầy 1 tuổi mà cả hai vợ chồng đều mắc COVID-19. Người vợ may mắn được ra viện sớm còn bệnh nhân nam diễn biến nặng, nhiều lần chạm đến cái chết. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc, điều trị đặc biệt của các y bác sỹ, sự cố gắng của bệnh nhân, sau hơn 1,5 tháng điều trị, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch và được chuyển sang khu điều trị bệnh nhân nhẹ. Hay như trường hợp một cụ bà trên 80 tuổi, khi cấp cứu các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh gần như về 0. Cũng nhờ sự nỗ lực của các y bác sỹ, bệnh nhân đã phục hồi thần kỳ, sau hơn một tháng điều trị đã được ra viện đoàn tụ với gia đình. Sự phục hồi của bệnh nhân là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với các y, bác sỹ…

Thạc sỹ Hồi sức cấp cứu Nguyễn Long An – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, Trưởng đoàn công tác cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả, làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng được sự quan tâm, động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đôi khi từ chính các bệnh nhân, tất cả các thành viên trong đoàn đều có chung quyết tâm cố gắng hết mình để chiến thắng dịch bệnh.

Tiếp nối những việc làm của họ, tỉnh Phú Thọ cũng đã tiếp tục cử đoàn công tác thứ 8 và thứ 9 đi hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương kiểm soát dịch bệnh, điều trị người bệnh nhiễm COVID-19. Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 886 cán bộ y tế với 9 đoàn công tác hỗ trợ tại các tỉnh: Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương trong công tác chống dịch COVID-19. Họ cũng như hàng nghìn cán bộ y tế khác đã và đang kiên trì bám trụ tại các tâm dịch, sẵn sàng dốc hết sức lực vì sự an toàn của người dân, vì sự hồi sinh của người bệnh. Xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới những hy sinh thầm lặng, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các chiến sỹ áo trắng. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng, với những nỗ lực ấy, dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi và cuộc sống bình thường sẽ trở lại.

Vĩnh Hà – Hồng Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202110/chuyen-ghi-tu-tam-dich-180000