Kỳ II: Tạo động lực phát triển nông thôn bền vững

Đột phá trong phát triển GTNT sẽ là một 'cú hích' giúp các địa phương trong tỉnh khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các công trình GTNT cần tiếp tục được quan tâm để giao thông thực sự trở thành động lực phát triển nông thôn một cách bền vững.

Tuyến đường từ ngã ba xã Hanh Cù đi Chùa Thọ Khuê, huyện Thanh Ba được đầu tư với kinh phí gần 10 tỉ đồng, sau khi hoàn thành tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(baophutho.vn) - Đột phá trong phát triển GTNT sẽ là một “cú hích” giúp các địa phương trong tỉnh khai thác tốt tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng các công trình GTNT cần tiếp tục được quan tâm để giao thông thực sự trở thành động lực phát triển nông thôn một cách bền vững.
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song việc phát triển GTNT những năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế: Hiện nay, nhiều địa phương mặc dù đã có quy hoạch tổng thể về phát triển mạng lưới giao thông, nhưng lại chưa có quy hoạch chi tiết cho từng xã, từng khu dân cư dẫn đến việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, việc cứng hóa mặt đường còn dàn trải, kết cấu quy mô công trình chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Bên cạnh đó, phong trào phát triển GTNT chưa đồng đều ở tất cả các địa phương trong tỉnh, một số nơi vẫn còn tư tưởng ỉ lại, trông chờ kinh phí Nhà nước, chưa có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực trong dân và các nguồn khác nên khối lượng thực hiện còn hạn chế. Đặc biệt, ở những xã vùng đồi, vùng đất giữa và các xã miền núi do huy động các nguồn lực trong dân để cứng hóa mặt đường khó khăn nên tỉ lệ đường đất lớn, chất lượng kém, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Cũng do khó khăn về huy động vốn đã dẫn đến tình trạng đầu tư nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, nhiều tuyến đường chưa phát huy tốt hiệu quả sau đầu tư.Ở một số địa phương chất lượng thi công mặt đường bê tông xi măng, đá răm hỗn hợp chưa đảm bảo đúng kỹ thuật về độ chặt nền đường đắp, tỉ lệ cấp phối, kỹ thuật khe co giãn bê tông; công tác bảo dưỡng bê tông sau khi đổ và bảo trì công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chưa được quan tâm đúng mức… dẫn đến một số công trình mới sử dụng một thời gian đã bị xuống cấp. Hàng năm, kế hoạch hỗ trợ xi măng và đá răm tận dụng chậm, vốn hỗ trợ từ ngân sách các cấp so với yêu cầu thực tế còn thấp, thiếu chủ động; tình trạng người dân đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ hoặc đền bù mới đồng ý cho giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, vẫn còn xuất hiện ở một số nơi, dù đã được vận động, tuyên truyền, giải thích dẫn đến kéo dài thời gian thi công. Cùng với đó, việc quản lý đường giao thông sau đầu tư cũng bộc lộ hạn chế, nhiều khu dân cư chưa quan tâm đến công tác bảo trì, bảo dưỡng và giữ vệ sinh các tuyến giao thông sau khi được cứng hóa khiến đường giao thông nhanh hỏng, nhanh xuống cấp… Đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba nhận định: Phát triển GTNT ở cấp xã hiện nay gặp khá nhiều khó khăn do số kilômét đường giao thông lớn, suất đầu tư cao, trong khi ngân sách Nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế; việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm còn nan giải. Ngoài ra, các tuyến đường GTNT chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước dọc, không có hệ thống cọc tiêu, biển báo...; hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi mới chủ yếu là đường đất nên chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, chưa đảm bảo tiêu chuẩn…Theo nhận định của một số lãnh đạo địa phương, cơ chế chính sách về phát triển GTNT hiện nay tuy khá đầy đủ, nhưng vẫn có những tồn tại trong phát huy các nguồn lực tại chỗ, chính quyền cấp xã chưa có bộ phận chuyên môn tham mưu về giao thông nói riêng và tham mưu về quản lý hạ tầng kỹ thuật nói chung; chưa có quy định rõ về phân bổ ngân sách thường xuyên, định kỳ cho công tác xây dựng phát triển, bảo trì đường GTNT; cơ chế thanh toán khi gói thầu xây dựng, sửa chữa, bảo trì đường bộ do cộng đồng dân cư, tổ nhóm thợ địa phương thực hiện chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn, vướng mắc. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX xác định xây dựng hệ thống đường GTNT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu chung là tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới một cách đồng bộ mạng lưới GTNT đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt duy trì phong trào phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới giai đoạn 2020-2025. Để có những giải pháp phát huy tốt việc khai thác nguồn lực đầu tư cho xây dựng, cải tạo, sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn hiện nay, theo ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở GTVT, công tác quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư trong xây dựng phát triển GTNT cần phải được cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng; ưu tiên tập trung đầu tư nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách Trung ương, địa phương, vốn ODA. Ngoài ra, rất cần huy động từ người dân, các doanh nghiệp khai thác quỹ đất; tích cực vận động nhân dân hiến đất làm đường mới và mở rộng đường cũ, nhân rộng mô hình Nhà nước hỗ trợ vật tư, vật liệu, nhân dân đóng góp công sức; sử dụng tư vấn giám sát cộng đồng. Bên cạnh đó công tác bảo trì, bảo dưỡng được đặc biệt chú trọng thì phát triển GTNT sẽ đạt được hiệu quả tối ưu.Cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; sự vào cuộc tích cực, chủ động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; huy động tối đa mọi nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư xây dựng đường GTNT. Tiếp tục nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giúp người dân hiểu được vai trò quan trọng của giao thông nông thôn, tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các công trình, dự án và đóng góp làm đường giao thông. Tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông của huyện trên cơ sở quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh, quy hoạch kinh tế- xã hội của huyện đã được phê duyệt gắn với quy hoạch xây dựng các xã, thị trấn đảm bảo yêu cầu phát triển của địa phương và sự đồng bộ, kết nối giữa các tuyến giao thông của xã, thị trấn với hệ thống giao thông chung của tỉnh, của huyện. Thực hiện việc phóng tuyến, cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc hành lang an toàn đường bộ các tuyến huyện, đường xã. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, chủ động tạo quỹ đất phục vụ cho mỗi dự án phát triển giao thông cụ thể, khuyến khích, vận động người dân hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng phát triển đường giao thông...

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202204/ky-ii-tao-dong-luc-phat-trien-nong-thon-ben-vung-183745