Kỳ II: Tạo nền để phát triển bền vững

PTĐT - Khi các công trình, dự án được thực hiện và đi vào hoạt động đã từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho cư dân trong vùng, làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, để tháo 'nút thắt' trong công tác GPMB...

San gạt mặt bằng tại KCN Phú Hà, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

San gạt mặt bằng tại KCN Phú Hà, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

PTĐT - Khi các công trình, dự án được thực hiện và đi vào hoạt động đã từng bước cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho cư dân trong vùng, làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, để tháo “nút thắt” trong công tác GPMB, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
>>> Kỳ I: Tìm tiếng nói chung cho lợi ích chung
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khoảng 1.562 dự án, trong đó đã thu hồi trên 12 nghìn ha đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo luật ước khoảng 1.500 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng cho hơn 1.000 dự án. Như vậy, công tác GPMB, bàn giao đất đã được thực hiện với khối lượng lớn, từ đó “mở đường” cho nhiều dự án vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp tích cực vào tăng sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu. Song để người dân đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất và GPMB cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Đầu tháng 11, chúng tôi trở lại thị xã Phú Thọ. Câu chuyện về bồi thường, GPMB dự án Khu công nghiệp Phú Hà vẫn đang được người dân bàn luận. Họ không còn nhắc đến chuyện “cơi nới” mà nói nhiều hơn về giá đền bù, đó là việc tính giá đền bù đất theo khung giá mới. Có được sự đồng thuận này, thị xã cùng các ngành chức năng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ công tác GPMB; công khai quy hoạch Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 2. Không những thế, để người dân trong vùng dự án đồng thuận, thực hiện đúng chủ trương, UBND thị xã đã tổ chức lấy ý kiến của đảng viên và nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án. Đồng thời vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân nằm trong phạm vi phải di dời để phục vụ thi công dự án theo đúng tiến độ.Qua tìm hiểu công tác GPMB ở nhiều địa phương, nhiều dự án cho thấy hầu hết những vướng mắc chủ yếu trong hỗ trợ, bồi thường, GPMB chính là người dân chưa đồng ý với mức giá đất quy định được bồi thường nằm trong quy hoạch, hoặc được bồi thường nhưng với mức giá thấp lại không thống nhất ở từng thời điểm khác nhau. Cùng một vị trí đất, người tự nguyện giải phóng trước lại nhận mức giá thấp hơn so với đối tượng chây ỳ... nên gây ra bức xúc và khiếu kiện kéo dài. Theo số liệu thống kê, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm gần 70% các loại khiếu kiện; đa phần là khiếu kiện về giá bồi thường đất đai. Nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc phức tạp cơ bản là do các dự án triển khai thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, sửa đổi thiết kế, thời gian triển khai dự án bị kéo dài...

Người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân trong vùng dự án KCN Phú Hà và KCN Cẩm Khê.

Người đứng đầu cấp ủy chính quyền địa phương đối thoại với nhân dân trong vùng dự án KCN Phú Hà và KCN Cẩm Khê.

Cùng với đó, trình tự thủ tục thu hồi đất chưa nhanh chóng; còn nhiều diện tích đất thu hồi nằm trong đất trồng lúa dẫn đến việc chậm tiến độ, người dân chưa thỏa mãn với giá đền bù, còn có sự so sánh giữa dự án Nhà nước thu hồi đất với dự án chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường với người dân. Khu tái định cư không đảm bảo điều kiện cơ sở hạ tầng tối thiểu; chưa có quy định bồi thường đối với cây trồng vượt quá mật độ theo quy chuẩn của ngành nông nghiệp. Công tác quản lý đất đai thời kỳ trước Luật Đất đai 2013 cũng như việc quản lý quỹ đất sau thu hồi còn nhiều hạn chế, còn có tình trạng tái lấn chiếm đất đã GPMB, các hộ dân tự ý xây dựng công trình trên đất sau khi có thông báo thu hồi đất; công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, xử lý vi phạm chưa thực hiện tốt, nhiều dự án phải tổ chức họp rà soát, xác minh nhiều lần ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ quy chủ, kiểm kê đất và tài sản trên đất lập phương án bồi thường, hỗ trợ...Khắc phục những tồn tại trên, rút kinh nghiệm từ những dự án bị ngưng trệ vì không thống nhất được giá đền bù GPMB, ngay từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp dân nơi có đất bị thu hồi để tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng, đủ các chính sách, pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chính sách quản lý về đất đai và các chính sách bồi thường, hỗ trợ khác. Ngoài ra, việc chủ động tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch còn giúp các hộ dân nhận thức rõ lợi ích của các dự án mang lại đối với đời sống xã hội và việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trước mắt cũng như lâu dài, bảo đảm phương án GPMB thực hiện đúng các quy trình, chính sách và pháp luật của Nhà nước, công khai, dân chủ đến người dân. Vì vậy, các dự án phải thu hồi đất trong giai đoạn 2014-2018 của tỉnh diễn ra thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án.Thực tế cho thấy, để tạo nền phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, khi triển khai dự án phải đảm bảo các yếu tố đó là: Hiệu quả, thống nhất, nghiêm túc và chất lượng. Mong muốn vậy, trước hết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai. Khi dự án đầu tư thực hiện đúng quy trình, đảm bảo GPMB nhanh, gọn không dây dưa, kéo dài, chủ đầu tư cũng phải biết chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp…

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201912/ky-ii-tao-nen-de-phat-trien-ben-vung-168495