Kỳ II: Tô đậm tính nhân văn

Như chúng tôi đã đề cập, Chỉ thị 40 ra đời trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cả nước nói chung, toàn tỉnh nói riêng; lan tỏa sức mạnh tổng hợp, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan điểm đột phá này của Đảng đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách (TDCS), khẳng định vai trò trụ đỡ trong công cuộc giảm nghèo bền vững, tô đậm thêm tính nhân văn của một chính sách riêng có cho người nghèo.

Đột phá từ một chỉ thị

Ngân hàng CSXH tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng vay vốn sử dụng các tiện ích trên nền tảng số.

Ngân hàng CSXH tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng vay vốn sử dụng các tiện ích trên nền tảng số.

Khẳng định vai trò trụ đỡ

Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) ngày càng được hoàn thiện, phù hợp hơn với yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị với nhiều đổi mới, tạo sự kỳ vọng lớn cho người dân về một chủ trương đầy tính nhân văn.

Đến thăm mô hình kinh tế của vợ chồng chị Nguyễn Thị An, khu 1, thị trấn Thanh Thủy vay vốn theo diện hộ nghèo, chúng tôi được biết, năm 2015, sau khi tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền 50 triệu đồng, chị An đầu tư chăn nuôi gà lai. Được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và ngân hàng, mô hình chăn nuôi của chị ngày càng phát triển. Đồng vốn được quay vòng, quy mô được mở rộng, gia đình chị nhanh chóng thoát nghèo. Từ một trại gà ban đầu, đến nay gia đình chị đã có 4 trại với hơn 10.000 con gà thịt. Chị An khẳng định: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo hỗ trợ khởi nghiệp thì việc phát triển kinh tế của gia đình sẽ rất khó khăn. Những hộ nghèo như gia đình tôi có cơ hội vay vốn đầu tư, tránh được tình trạng đi vay nặng lãi. Hiện mô hình kinh tế của gia đình không những bảo toàn được nguồn vốn mà luôn có lãi để tái đầu tư với quy mô lớn”.

Bà Vi Thị Phương Dung - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến hoạt động của nguồn vốn TDCS trong suốt thời gian qua. Sự đoàn kết, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã thúc đẩy nguồn vốn TDCS phát huy hiệu qua. Đột phá này đã giúp Thanh Thủy tăng trưởng dư nợ. Hiện đơn vị đang triển khai cho vay 13 chương trình với tổng dư nợ trên 443 tỷ đồng, tăng 114% so với năm 2014. Đối tượng cho vay hộ nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị đã giúp 23.808 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó 2.525 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 1.212 lao động được tạo việc làm...

Được biết, thực hiện Chỉ thị, các cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Thủy nhanh chóng vào cuộc, tập trung huy động các nguồn lực, kết hợp bố trí, bổ sung một phần ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay. Hiện nguồn vốn chuyển từ ngân sách huyện sang ngân hàng đạt hơn 4,5 tỷ đồng.

Cũng như Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để bố trí đủ vốn cho các hộ có nhu cầu vay; chủ động rà soát, xác định đối tượng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn thuận lợi. Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã khẳng định: Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững hoạt động TDCS. Nhờ đó, Ngân hàng đã xây dựng, tổ chức thành công phương thức quản lý vốn TDCS đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đến nay, tổng dư nợ của 13 chương trình cho vay TDCS trên địa bàn đạt gần 395 tỷ đồng với hơn 8.000 khách hàng còn dư nợ. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn đã giúp 20.196 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, đã có 4.567 hộ vượt qua ngưỡng nghèo.

Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đối với một chính sách đặc thù đã trở thành “kênh” tín dụng giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, đồng thời xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân. TDCS không những giải quyết được một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống mà còn giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, những chiếc “cần câu” từ nguồn TDCS đã giúp hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Cao hơn nữa, sử dụng công cụ TDCS hiệu quả sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Mô hình nuôi gà lai của gia đình chị Nguyễn Thị An, khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy được đầu tư bởi nguồn vốn vay theo hộ nghèo cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà lai của gia đình chị Nguyễn Thị An, khu 1, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy được đầu tư bởi nguồn vốn vay theo hộ nghèo cho hiệu quả kinh tế cao.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh không chỉ tăng trưởng về quy mô, chất lượng tín dụng mà đã giúp cho hàng chục nghìn hộ nghèo thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với tính ưu việt của nguồn vốn TDCS đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nghèo, đối tượng chính sách, họ đã biết tự vận động để thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Kết quả, nguồn vốn TDCS đã giúp gần 48.300 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, gần 23.600 người lao động được tạo việc làm, duy trì việc làm; hỗ trợ cho khoảng 9.000 gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; trên 253.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo, xây mới; đặc biệt, có hơn 3.900 căn nhà hộ nghèo được sửa chữa, cải tạo, xây mới, giúp người nghèo an cư, lạc nghiệp.

Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn TDCS không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, thể hiện ở mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, một hệ ý thức mới được hình thành trong cộng đồng người nghèo và đối tượng chính sách với việc tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, tích lũy cho tương lai, hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Những giá trị đó có ý nghĩa hết sức to lớn trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tiếp theo, ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh khẳng định: Từ thực tiễn kết quả đạt được, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục quan tâm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị 40, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của TDCS trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCS; tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn vay. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xác định sâu sắc, thực hiện thật tốt Chỉ thị 40 là góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức mình, tích cực quan tâm đi sâu, đi sát đời sống đoàn viên, hội viên và Nhân dân để có những tư vấn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế kịp thời. Ngân hàng CSXH tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý TDCS đặc thù; tích cực thực hiện chuyển đổi số; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát để đồng vốn TDCS sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả.

Phương Thảo - Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-ii-to-dam-tinh-nhan-van-213643.htm