Kỳ III: Phát triển 'Giao thông đối ngoại'

Phú Thọ hiện có hơn 1.000km đường giao thông, 11 cây cầu lớn, mạng lưới giao thông đang đóng vai trò quan trọng kết nối giao thương, mở rộng đối ngoại giữa các vùng miền, nhất là khi Phú Thọ đang ở vị trí kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc.

(baophutho.vn)

(baophutho.vn)

- Phú Thọ hiện có hơn 1.000km đường giao thông, 11 cây cầu lớn, mạng lưới giao thông đang đóng vai trò quan trọng kết nối giao thương, mở rộng đối ngoại giữa các vùng miền, nhất là khi Phú Thọ đang ở vị trí kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc.

Người ở xa tới, chỉ cần thấy hai cây cầu này là biết đã đến cửa ngõ thành phố. Hai cây cầu giúp nối liền giao thông Quốc lộ 2, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo QP-AN vùng Đất Tổ và các tỉnh phía Tây Bắc; đây cũng là công trình góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho thành phố đô thị loại I.

Ngược lên Đoan Hùng, cầu Sông Lô được xây dựng giúp nối liền hai bờ giữa thị trấn Đoan Hùng với xã Hợp Nhất và các xã của huyện Sơn Dương, Yên Sơn của tỉnh Tuyên Quang. Có cầu, trẻ em không phải lỡ dở việc đến trường, hàng hóa vận chuyển giữa hai bờ không phải tạm dừng khi con nước lên vào mùa lũ.

Theo sông Hồng đi lên sẽ đến cầu Phong Châu và cầu Ngọc Tháp- cây cầu bắc nhịp cho hai huyện Tam Nông và thị xã Phú Thọ, hòa với đường Hồ Chí Minh. Phía bên kia sông Đà, cầu Trung Hà và Đồng Quang giúp kết nối giao thông giữa các địa phương phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội và các huyện phía Tây Nam Phú Thọ, phục vụ cho khu vực giàu tiềm năng du lịch là huyện Thanh Thủy và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình.

Nếu trước đây từ thủ đô Hà Nội đi Phú Thọ bằng đường bộ chỉ dựa vào Quốc lộ 2 nên giảm sức hút và khó mời gọi được các nhà đầu tư đến với tỉnh thì nay cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã có 5 nút giao gồm IC7 ở thành phố Việt Trì, IC8 ở huyện Phù Ninh, IC9 nối liền với thị xã Phú Thọ, IC10 giao với huyện Cẩm Khê và IC11 với huyện Hạ Hòa. Mỗi nút giao này chính là cánh cửa luôn rộng mở với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn khi đến và lựa chọn Phú Thọ để đầu tư.

Có thể nói, không phải tỉnh, thành nào trên cả nước cũng có điều kiện phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên đủ các “mặt trận” đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không (chỉ cách sân bay Nội Bài 50km) như Phú Thọ.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh sẽ huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, bình quân hơn 4.000 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Nguồn vốn được huy động từ nguồn ngân sách và hỗ trợ của Trung ương, bộ, ngành cho các công trình trọng điểm và phát huy nội lực cho các công trình địa phương.

Giao thông thuận tiện cũng là cơ sở để Phú Thọ hoàn thành xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch Quốc gia; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành Khu du lịch địa phương, Khu Di tích đền Mẫu Âu Cơ - Hạ Hòa trở thành Điểm du lịch địa phương và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Ông Trần Hoài Giang - Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Giai đoạn 2020- 2025, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Phú Thọ huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như xây mới các cây cầu: Vĩnh Phú, Thạch Đồng, Tình Cương, Vĩnh Lại, Kiệt Sơn; cải tạo, nâng cấp QL32 đoạn Cổ Tiết- Thu Cúc; cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang... Từ đó từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong Quy hoạch phát triển GT-VT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Với tầm nhìn dài hạn và sự quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ giúp mạng lưới giao thông vùng Đất Tổ ngày càng hoàn chỉnh và thông suốt, giúp Phú Thọ vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội vùng trung du miền núi phía Bắc.

Kỳ I: Những cung đường xanh

Kỳ II: "Ô bàn cờ" trên đồng ruộng

Việt Hà - Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202107/ky-iii-phat-trien-giao-thong-doi-ngoai-178265