Kỳ III: Tạo đà vượt khó, hướng tới xã hội phát triển bền vững

PTĐT - Sự kiện huyện Tân Sơn được công nhận thoát nghèo trước 2 năm so với kế hoạch đã tạo động lực để tỉnh Phú Thọ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo, để người nghèo không chỉ có cơ hội thoát nghèo, giảm thiểu tái nghèo mà còn vươn lên làm giàu, hướng tới xã hội khá giả, phát triển bền vững..

Xã Tân Phú đang được đầu tư để sớm trở thành thị trấn của huyện Tân Sơn

Xã Tân Phú đang được đầu tư để sớm trở thành thị trấn của huyện Tân Sơn

>>> Kỳ I: Bước ra khỏi “vùng trũng”
>>>Kỳ II: Phát huy vai trò “bà đỡ” trong giảm nghèo bền vững
Trong suốt những năm qua, công tác giảm nghèo trên toàn tỉnh được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm giảm bình quân 1,61%, riêng huyện Tân Sơn giảm 4,23%/năm. Tuy nhiên thử thách hiện hữu từ thực tế cơ sở, đó là hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm theo kế hoạch đề ra nhưng kết quả chưa bền vững, nhất là ở các xã vùng cao, miền núi đặc biệt khó khăn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, nghèo mới, một bộ phận người nghèo vẫn chưa tự nỗ lực vươn lên, đâu đó còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thậm chí có hiện tượng chưa muốn thoát ra khỏi hộ nghèo để hưởng lợi từ chính sách; việc giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo đôi khi còn chậm, lúng túng.Để khắc phục hạn chế trên, giảm thiểu nguy cơ tái nghèo, theo ông Hoàng Mạnh Hùng- Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn: Trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người nghèo, làm sao cho họ thấy rằng đói nghèo là sự tổn thương, bất hạnh, phải sớm thoát nghèo bằng sự tự lực, tự cường vươn lên của bản thân và gia đình. Cùng với tuyên truyền, phải trao quyền tự chủ tối đa cho người dân để họ phát huy vai trò chủ thể chính trong xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác phối kết hợp giữa Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia các cấp với các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng chỗ này làm tốt, chỗ kia chưa tốt. Các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ đảng viên, đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.Rút kinh nghiệm từ chính công tác giảm nghèo ở địa phương, ông Nguyễn Thành Long- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba cho rằng: Một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến công tác giảm nghèo chính là kết cấu hạ tầng, mặc dù những năm qua Chính phủ đã tăng mức đầu tư kinh phí hàng năm cho các xã đặc biệt khó khăn để làm đường giao thông, cầu, tràn, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất… song những xã miền núi, xã vùng giữa, xa trung tâm đi lại vẫn khó khăn, đây chính là “nút thắt” trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Những năm tới, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, gỡ “nút thắt” này bằng việc tăng mức đầu tư kinh phí hàng năm cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn bởi kết cấu hạ tầng tốt sẽ tạo đà thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả tích cực là tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.Công nhân Công ty TNHH Seshin Việt Nam may quần áo xuất khẩu.

Một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững mang lại hiệu quả tích cực là tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.Công nhân Công ty TNHH Seshin Việt Nam may quần áo xuất khẩu.

Với mong muốn đưa công tác giảm nghèo đạt kết quả cao hơn, trong giai đoạn tới tỉnh Phú Thọ đã xác định: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ” để đảm bảo thực hiện công bằng hơn về mức sống giữa các nhóm dân cư, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự vươn lên đảm bảo an sinh. Đồng thời phân loại hộ nghèo, làm rõ nguyên nhân nghèo do thu nhập, thiếu sức lao động hay do thiên tai, ốm đau đột xuất, thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… để triển khai thực hiện chính sách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tác động vào từng nhóm đối tượng, nhóm nguyên nhân nghèo; thực hiện tốt các chính sách với người có công với cách mạng, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo. Ông Bùi Đức Nhẫn- TUV, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Giai đoạn tới công tác giảm nghèo chắc chắn sẽ có nhiều mục tiêu và tiêu chí thực hiện khó hơn, cao hơn nhưng tin tưởng rằng chúng ta sẽ kế thừa, phát huy tốt kinh nghiệm của cả hai giai đoạn: 2011- 2015 và 2016- 2020 để làm tốt hơn nữa, tạo được sức mạnh tổng hợp giúp người nghèo vươn lên, xây dựng xã hội phát triển bền vững. Giai đoạn 2011-2015 tỉnh ta về đích trước 1 năm, đưa Phú Thọ cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo, điều kiện sống của người nghèo đã được cải thiện rõ rệt, một số nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập; giai đoạn 2016- 2020 đã đưa huyện miền núi Tân Sơn ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước trước 2 năm, mức sống mức thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh đạt 52,8 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 116 xã, 300 khu dân cư đạt chuẩn NTM; 4 huyện, thành, thị đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thiết nghĩ, trong giai đoạn tới, cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp, mỗi người dân cần phát huy tốt vai trò chủ thể trong công tác giảm nghèo bền vững, hướng tới xây dựng một xã hội khá giả bằng chính tư duy, suy nghĩ và hành động như chủ động đề xuất, chọn lựa thực hiện các mô hình giảm nghèo phù hợp với thực tế gia đình, chủ động chọn lựa cây, con giống, vật nuôi đảm bảo kỹ thuật, phù hợp với môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể cần đưa ra các giải pháp thiết thực trong việc hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, phát huy sức mạnh cộng đồng, tương trợ giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời làm tốt công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động có việc làm, thu nhập cao, ổn định. Thực tế đã có không ít lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã có thu nhập bình quân 20- 25 triệu đồng/người/tháng; nhiều lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp hoặc tích cực làm việc trong các ngành nghề truyền thống sẵn có ở địa phương đã có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các thiết bị sinh hoạt có giá trị, cải thiện chất lượng cuộc sống, tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác quản lý giám sát chương trình, dự án đảm bảo đầu tư đúng, trúng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.Cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và của chính người nghèo, giai đoạn tới Chính phủ cũng nên ban hành riêng các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, tách hẳn “điều kiện“ phải thuộc diện hộ nghèo mới được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội nhằm tránh việc cấp cơ sở và người dân đưa ra những trường hợp này vào hộ nghèo để nhận sự trợ giúp của Nhà nước; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo chuẩn nghèo đa chiều (giai đoạn 3 theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)... Với chủ trương đúng, trúng, vận dụng tốt kết hợp quyết tâm cao của mỗi chủ thể hộ nghèo, công tác giảm nghèo sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong những năm tiếp theo, người nghèo không chỉ thoát nghèo bền vững mà sẽ vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng một xã hội khá giả trong tương lai.

Mai Phương- Lê Thương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/giam-ngheo-ben-vung/202008/ky-iii-tao-da-vuot-kho-huong-toi-xa-hoi-phat-trien-ben-vung-172715