Những thị trường lao động ngoài nước nào Việt Nam hướng tới?
Nửa đầu năm nay, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo cũng được quản lý chặt chẽ hơn.
Hướng tới thị trường thu nhập cao
Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 7 tháng năm nay, số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 người, đạt 71,89% kế hoạch năm 2024.
Đánh giá về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2024, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết, ngoài các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc thì một số thị trường mới cũng đang có nhu cầu đối với lao động Việt Nam, như các nước thuộc Đông Âu: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia...
Thu nhập của người lao động làm việc tại nhiều quốc gia khá cao và ổn định, ví dụ tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc thu nhập dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng; Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu từ 800 - 1.200 USD/tháng; từ 700 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500-600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...
Thêm một tin vui với người lao động Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, từ ngày 1/1/2025, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu tăng thêm 1,7%, trong đó có lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này. Cụ thể, mức lương tối thiểu tính theo giờ tăng lên 10.030 won (tăng 170 won so với mức của năm 2024). Về mức lương tối thiểu tính theo tháng (người lao động làm việc 40 giờ/tuần, 209 giờ lao động tiêu chuẩn) với mỗi ngày làm việc 8 giờ là 2.096.270 won (tăng 35.530 won so với mức lương năm 2024).
Như vậy, ngoài được hưởng mức lương cơ bản, lao động Việt Nam còn được nhận lương làm thêm giờ và tham gia các loại bảo hiểm theo quy định của Hàn Quốc. Hiện Hàn Quốc đang áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ là 9.860 won. Mức lương tối thiểu tính theo tháng là 2.060.740 won. Mức lương này được áp dụng từ ngày 1/1 - 31/12/2024.
Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Hàn Quốc đã trở thành một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Năm 2023, Việt Nam đã đưa được 15.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và đứng đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Sẵn sàng những điều kiện “cần’’ và “đủ’’
Năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức...
Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao...
Cùng với đó, hoàn thiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ đối với người lao động...; phát triển và chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; chủ động đàm phán với bên nước ngoài trong việc công nhận bằng cấp, trình độ kỹ năng nghề và kinh nghiệm làm việc của người lao động Việt Nam…
Cụ thể hóa mục tiêu, mới đây, tại buổi tiếp ông Kubo Yoshitomo - Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhằm trao đổi, thúc đẩy nhanh tiến độ của Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ Dự án về đích càng sớm càng tốt, để đồng bộ với Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua.
Khi Dự án đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường việc làm đầy đủ chính xác cho người lao động, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí cho người lao động
Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cũng đã có buổi tiếp ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội NAGOMI, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt.
Hiện, có gần 600.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Theo đánh giá, đa số người Việt Nam chăm chỉ làm việc, chịu khó học hỏi, sống hòa đồng và thân thiện, đồng thời không ngừng học tập, nâng cao trình độ tiếng Nhật để phát triển bản thân, gia đình và sự nghiệp, đóng góp cho kinh tế Nhật Bản cũng như góp phần phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Kiểm soát nhập cư sửa đổi, thay thế hệ thống đào tạo kỹ thuật cho người lao động nước ngoài hiện tại bằng hệ thống đào tạo và việc làm mới của Nhật Bản.
Theo cơ chế mới, người lao động nước ngoài có thể thay đổi công ty sử dụng lao động trong cùng ngành với một số điều kiện nhất định, miễn là họ đã làm việc ở một nơi trong hơn 1 năm và bảo đảm khả năng tiếng Nhật cũng như chuyên môn có thể đáp ứng các yêu cầu nhất định.
Ngoài ra, theo chương trình mới, các tổ chức giám sát, hoạt động như các bên môi giới và công ty giám sát tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài sẽ được đổi tên thành "các tổ chức hỗ trợ giám sát".
Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phái cử của Việt Nam rất mong ngóng chờ sự thay đổi luật mới của Nhật Bản để nghiên cứu, có giải pháp triển khai thực hiện tốt theo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam, cũng như theo luật mới của Nhật Bản.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị phái cử của Việt Nam tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi xuất cảnh, đặc biệt là đào tạo về ngoại ngữ đạt trình độ tiếng Nhật N5; đồng thời giao cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn nội dung để sớm ký kết lại các bản ghi nhớ với cơ quan chức năng của Nhật Bản triển khai tốt Luật mới nêu trên.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ông Đào Ngọc Dung, Việt Nam đang chuyển hướng sang đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu đào tạo 50.000 lao động trong lĩnh vực chíp bán dẫn đến năm 2030. Ngoài ra, các trường ở Việt Nam cũng đang tập trung vào đào tạo những ngành nghề mới nổi.
Theo thông tin về kết quả kỳ thi đánh giá kỹ năng đặc định trong ngành hộ lý, nông nghiệp, tiến tới tổ chức thi đánh giá trong ngành lưu trú, khách sạn giữa Việt Nam và Nhật Bản, lĩnh vực hộ lý có 93% số lượng thí sinh tham gia đạt yêu cầu; ngành nông nghiệp đạt gần 89%; tuy nhiên, ngành ô tô, lưu trú chỉ đạt trên 55%.