Ký kết Bản ghi nhớ bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp
BHG - Sáng 21.7, UBND tỉnh tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ bảo tồn Voọc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp tại Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2027 với Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) tại Việt Nam. Dự buổi ký kết có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Tổ chức FFI tại Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và thành viên Tổ chức FFI tại Việt Nam.
Tại buổi ký kết, tỉnh ta và Tổ chức FFI thống nhất thực hiện các nội dung ghi nhớ như: Bảo tồn Voọc mũi hếch và các thực vật nguy cấp thông qua các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giám sát quần thể và sinh cảnh; phục hồi, mở rộng sinh cảnh rừng; thiết lập hành lang sinh thái; ngăn chặn, giảm thiểu các mối đe dọa do các hoạt động con người đối với Voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng; ứng dụng công nghệ tiến bộ trong công tác nghiên cứu bảo tồn, nâng cao nhận thức bảo tồn; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tạo cơ chế tài chính bền vững để bảo tồn rừng qua hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc các dịch vụ hệ sinh khác; khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng thông qua việc hỗ trợ thành lập và đào tạo nhóm bảo tồn cộng đồng, nhóm tuần rừng.
Tại buổi ký kết, Giám đốc Tổ chức FFI Hoàng Văn Lâm mong muốn UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ hệ sinh cảnh và quần thể Voọc mũi hếch; hàng năm thực hiện các chương trình truyền thông, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân không được săn bắt, giăng bẫy loài linh trưởng này cũng như loại bỏ tập quán phát nương làm rẫy làm thay đổi hệ sinh cảnh; triển khai các mô hình sinh kế cho người dân vùng dự án để giảm áp lực vào rừng; tiếp tục giữ gìn mở rộng môi trường sống cho quần thể Voọc mũi hếch.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long đánh giá cao các ý tưởng của Tổ chức FFI trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn Voọc mũi hếch bằng những giải pháp bền vững, lâu dài. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, tổ chức FFI tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp làm việc, cách thức triển khai dự án bảo vệ Voọc mũi hếch cho địa phương; phối hợp tốt với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc triển khai các chương trình, dự án; chú trọng việc cải thiện sinh kế cho người dân, cải thiện môi trường sống, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, giảm thiểu tác động của người dân vào các khu rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng...
Trước đó, ngày 20.7, Tổ chức FFI đi khảo sát thực tế ở khu rừng Khau Ca thuộc Vườn quốc gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn.