Ký kết biên bản ghi nhớ giữa đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan
Chiều nay 7/5, tại tỉnh Salavan (Lào) đã diễn ra hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao hai tỉnh Salavan - Quảng Trị nhằm đánh giá việc thực hiện văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh; những thuận lợi và khó khăn trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế La Lay và các nội dung quan trọng khác.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Salavan Đao Vông Phon Kẹo; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải chủ trì hội đàm. Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Ly Kiều Vân tham dự.

Lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị - Salavan ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: TH
Tại hội đàm, trong không khí thắm tình hữu nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Salavan Đao Vông Phon Kẹo thông tin một số kết quả đạt được trên các lĩnh vực của tỉnh Salavan trong năm 2024. Đồng thời tin tưởng rằng chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Trị lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, hai tỉnh Salavan - Quảng Trị, tiếp nối truyền thống được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai tỉnh dày công vun đắp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Long Hải cho rằng: Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị và Salavan tiếp tục được tăng cường toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đi vào chiều sâu và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Hợp tác QP - AN và đối ngoại tiếp tục là trụ cột quan trọng, được duy trì bền vững, hiệu quả và tin cậy.
Công tác biên giới được quan tâm, với việc duy trì hội đàm thường niên và thúc đẩy các cơ chế phối hợp địa phương – đồn biên phòng – thôn bản hai bên biên giới. Hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đồn biên phòng, thôn bản biên giới được đẩy mạnh, tạo nên “lá chắn mềm” vững chắc từ lòng dân và cộng đồng.
Đặc biệt, trên cơ sở các nội dung thỏa thuận đã ký kết, đảng bộ và chính quyền hai tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân khu vực biên giới của hai tỉnh xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại biên giới, đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, đào tạo cán bộ, giữ vững QP - AN, bảo vệ biên giới. Lực lượng chức năng và các địa phương biên giới của hai tỉnh đã phối hợp tốt trong việc đấu tranh phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, chất nổ, hàng quốc cấm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Trên cơ sở thảo luận, trao đổi tại buổi hội đàm, hai bên thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ. Theo đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Chỉ đạo cơ quan đầu mối tham mưu chuẩn bị cho việc đánh giá kết quả thực hiện, thảo luận và thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn mới (dự kiến 2026-2030).
Báo cáo lãnh đạo mỗi tỉnh để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm hoàn thành các nội dung đã được lãnh đạo cấp cao hai tỉnh thống nhất ký kết. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mối quan hệ đặc biệt, hữu nghị truyền thống đoàn kết và hợp tác Việt - Lào, về quy chế biên giới, về kết hôn có yếu tố nước ngoài, không di cư trái pháp luật.
Phối hợp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh thông tin, kịp thời phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm nhập an ninh quốc gia. Phát huy hiệu quả các mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới. Đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, trọng tâm là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động khai thác, xuất khẩu than đá qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay - La Lay.
Tỉnh Salavan sẽ phối hợp với tỉnh Sekong báo cáo Chính phủ Lào quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư Việt Nam (hoặc nhà đầu tư Lào) thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật mỗi nước và đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than đoạn nằm trên phạm vi lãnh thổ Lào để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án được nhanh chóng và đảm bảo đúng, phù hợp với quy định của pháp luật hai nước.
Liên quan đến việc nâng cấp tuyến đường nối Bản Đông (huyện Sepon, tỉnh Savannakhet) với huyện Tà Ổi, tỉnh Salavan, hai bên thống nhất giao Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị phối hợp Sở Giao thông công chính tỉnh Savannakhet khảo sát thực trạng, đề xuất giải pháp kỹ thuật, dự toán sơ bộ kinh phí để đầu tư nâng cấp báo cáo lãnh đạo hai tỉnh làm cơ sở để đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Bộ Tài chính Việt Nam và Chính phủ hai nước đưa vào danh mục dự án ODA Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Chính phủ Lào. Hai tỉnh Quảng Trị và Salavan thống nhất cùng phối hợp nghiên cứu phương án, đề xuất Chính phủ hai nước xem xét, hỗ trợ nâng cấp tuyến đường kết nối từ Sa Muội đến cửa khẩu phụ A Xóc - Cóc gắn với việc chuẩn bị các điều kiện đề xuất nâng cấp cặp cửa khẩu trên lên thành cửa khẩu chính (dự kiến trong năm 2028).
Tiếp tục phối hợp đề xuất Ủy ban Biên giới Lào – Việt Nam thỏa thuận, thống nhất liên quan đến sử dụng căn cước công dân khu vực biên giới thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh, về quy định mẫu giấy cho phép xuất – nhập cảnh do người đứng đầu đơn vị chuyên trách bảo vệ biên giới được cấp phép cho cư dân hai bên biên giới và phân cấp quản lý, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Lào để đảm bảo các thủ tục khi kết hôn với công dân Việt Nam trong khu vực biên giới hai tỉnh.
Tiếp tục thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động xuất nhập cảnh của công dân hai nước, hỗ trợ người dân khu vực biên giới qua lại, trao đổi hàng hóa, thăm thân và cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới giữa hai bên nhằm phục vụ việc phát triển KT - XH trong khu vưc biên giới.
Tỉnh Salavan về cơ bản nhất trí ủng hộ mục tiêu, chỉ tiêu, tầm quan trọng và nội dung của Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan) (gọi tắt là PARA-EWEC) và sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh phối hợp với tỉnh Quảng Trị thống nhất, xác nhận về chuyên môn và báo cáo hai tỉnh, làm cơ sở xem xét, đề xuất Chính phủ Lào - Việt Nam để thống nhất chủ trương xây dựng hành lang kinh tế theo đúng quy định.
Nhân chuyến công tác này, tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tỉnh Salavan 200 triệu đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn