Ký kết hàng loạt hiệp định FTA đưa kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới

Việc Việt Nam ký kết được hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trong mấy năm qua đã giúp đưa nền kinh tế đất nước hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu.

Chủ động lựa chọn đối tác

Việt Nam chính thức hội nhập với nền kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 1995, đây là thời điểm Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Với tư cách là thành viên của khối ASEAN, Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại trong nội khối (FTA) và các FTA thế hệ cũ được ASEAN ký kết với các đối tác lớn trước đó, như Đối tác ASEAN (AFTA) có hiệu lực từ năm 1993, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) năm 2003, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực từ năm 2007 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) vào năm 2008.

Bên cạnh đó, ASEAN còn có FTA với Ấn Độ vào năm 2010 (AIFTA), với Úc và New Zealand vào năm 2010 (AANZFTA).

 Nhờ các FTA có hiệu lực, trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Ảnh: CP

Nhờ các FTA có hiệu lực, trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Ảnh: CP

Sau khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã chủ động lựa chọn các đối tác và vươn mình xa hơn. Trong đó, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) là FTA đầu tiên Việt Nam ký kết với tư cách riêng lẻ.

Tính tới tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 FTA. Trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực, với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Mới nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký vào tháng 7/2023. 3 FTA còn lại đang trong giai đoạn đàm phán, bao gồm EFTA FTA, ASEAN - Canada và Việt Nam - UAE FTA.

Trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có FTA với gần hết 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới (ngoại trừ Mỹ), như Anh, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc.

Việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm.

Cũng nhờ các FTA đã ký kết đã đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên) và liên tục có kết quả xuất siêu.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết ngày 15/8/2024, Việt Nam tiếp tục duy trì đà xuất siêu với 15,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một trong những FTA có kết quả tích cực nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sau 4 năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ước tính đạt 200 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 12% - 15%/năm và liên tục xuất siêu vào EU.

Trong tháng 7 đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU cũng tăng 8,7% so với cùng kỳ. EU cũng nằm trong top 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất và top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Bên cạnh các kết quả liên quan tới xuất khẩu, việc có FTA với EU còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư EU rót vốn vào Việt Nam.

EU đã đầu tư vào Việt Nam 28 tỷ Euro và đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư. Con số này được kỳ vọng sẽ còn gia tăng hơn nữa khi Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) hoàn tất phê chuẩn và đưa vào thực thi, đem lại lợi ích hơn nữa cho mối quan hệ giữa Việt Nam và EU” - ông Lương Hoàng Thái cho biết.

Đồng tình với nhận định này, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực, như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản.

EVFTA đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Khối Liên minh Châu Âu, vốn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đã rót 28 tỷ euro vào 2.450 dự án, cho thấy niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam.

“Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu”, báo cáo của EuroCham nhận định.

Biến các thách thức này thành lợi thế, cơ hội phát triển

Trong một sự kiện tổng kết đánh giá hiệu quả của FTA vào tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã khẳng định công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được chính sách chủ động, chuẩn bị đầy đủ năng lực nhằm tận dụng được các FTA và hội nhập kinh tế hiệu quả.

Thế giới đang đứng trước những thay đổi toàn diện về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn… cùng với xu thế tất yếu của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero)… từ đó, xác định cách tiếp cận phù hợp, biến các thách thức này thành lợi thế, cơ hội phát triển” - Phó Thủ tướng phân tích.

Để biến các thách thức thành lợi thế, Bộ Công Thương đã đưa ra loạt giải pháp nhằm tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA. Trong đó, một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương đưa ra, đó là tập trung nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

 Sau 4 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, năm 2022, Australia đã trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương

Sau 4 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, năm 2022, Australia đã trở thành thị trường nhập khẩu đơn lẻ đứng thứ 6 của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương

FTA thực chất là thỏa thuận mở cửa thị trường với sự tham gia của ít nhất hai thành viên, và với mục đích cắt giảm hoặc loại bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư tạo thuận lợi cho thương mại. Vì vậy, trong những năm gần đây, thế giới và cả Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các FTA để thiết lập các Khu vực thương mại tự do.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng.

Có thể thấy rằng, FTA đã, đang và tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để tận dụng các lợi thế do FTA mang lại.

Cụ thể, doanh nghiệp cần bám sát thông tin, hướng dẫn từ cơ quan chức năng để chủ động đáp ứng các thay đổi thương mại từ quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cần cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng các quy định từ quốc tế khi xuất khẩu.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Nếu tận dụng được các lợi ích từ FTA, hoạt động thương mại, xuất khẩu và đầu tư trong năm 2024 và các năm tới sẽ có nhiều cơ hội hồi phục và tăng trưởng.

Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới” - bà Trang nói.

Hạ An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-ket-hang-loat-hiep-dinh-fta-dua-kinh-te-viet-nam-hoi-nhap-sau-rong-voi-the-gioi-post309804.html