Ký kết RCEP: ''Mở đường'' vào thị trường lớn nhất thế giới
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 15-11-2020, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, mở ra thị trường lớn nhất thế giới giúp kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực hồi phục nhanh hơn khi đại dịch Covid-19 lắng xuống. RCEP cũng như các hiệp định khác sẽ mang đến cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức.
Năm 2020, Việt Nam với vai trò chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP đã thúc đẩy được 15 nước tham gia ký kết sau 8 năm đàm phán. RCEP mở ra thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới với 27 ngàn tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Hiệp định trên sẽ thiết lập một thị trường xuất khẩu bền vững cho Việt Nam.
* Những lợi thế RCEP mang lại
Hiệp định RCEP tuy không mở ra thị trường mới cho Việt Nam nhưng lại giúp đáp ứng tốt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu vào những nước trong khối như: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Trung Quốc. Vì Trung Quốc, Hàn Quốc đang là thị trường cung ứng nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) cho biết: “RCEP được ký kết sẽ tạo ra thuận lợi lớn cho DN trong việc đảm bảo xuất xứ hàng hóa khi xuất vào các thị trường lớn trong khối. Vì thế, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng khả năng đáp ứng các điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan với 14 nước trong RCEP. Các DN Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này mở rộng xuất khẩu vào khu vực nội khối và đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand”.
Tháng 11-2012, các nước ASEAN đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định RCEP tại Campuchia. Mục tiêu là để khuyến khích thương mại giữa các nước thành viên và các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước khi ký kết, Ấn Độ đã xin rút khỏi hiệp định.
Muốn nắm bắt được các cơ hội do RCEP mang đến thì các DN chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định và các thị trường trong RCEP để xây dựng kế hoạch sản xuất, đưa hàng hóa vào thị trường tiềm năng này. Hiệp định RCEP có 20 chương, trong đó gồm các quy định, cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, nghĩa vụ đối xử với các quốc gia thành viên, loại bỏ những hạn chế định lượng đối với xuất, nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, lộ trình giảm thuế quan của các bên...
Hiệp định RCEP được ký kết với sự đồng thuận của 15 nước và tất cả đều thống nhất sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tạo thuận lợi để các nước trong khối tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, thêm cơ hội tiếp cận thị trường mới để phát triển bền vững, tạo thành một khu vực kinh tế lớn, năng động hàng đầu thế giới.
Theo lộ trình, Việt Nam sẽ xóa bỏ khoảng 85,6% thuế quan cho Trung Quốc, Australia hơn 90%, New Zealand là gần 90%, Nhật Bản và Hàn Quốc gần 87%. Còn trong nội khối ASEAN thì mức xóa bỏ thuế quan hơn 90%.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định RCEP sẽ mở ra thị trường thương mại lớn nhất thế giới hiện nay, tạo thêm cơ hội cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng sức hút trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điểm đáng chú ý là ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các nước thành viên sẽ xóa bỏ 64-82% các dòng thuế. Mức cam kết xóa bỏ thuế quan trên tương đối mở so với các hiệp định thương mại tự do khác đã ký trước đây.
Tại lễ ký kết Hiệp định RCEP, Thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành việc đàm phán hiệp định, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại nhiều hứa hẹn. Hiệp định RCEP sẽ góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và giúp ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì thịnh vượng chung. Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 với các nước thành viên.
* Nhận diện đúng thách thức, khó khăn
Cũng giống như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, Hiệp định RCEP đem đến các cơ hội, nhưng đan xen những thách thức. Vì trước đó, Việt Nam đã có ký kết hiệp định thương mại song phương, đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia... Hàng hóa của Việt Nam vào các nước trên theo lộ trình đã xóa bỏ thuế quan khá nhiều nên có lợi thế hơn hẳn những nước chưa có hiệp định. Thế nhưng, khi Hiệp định RCEP được ký kết và có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng cùng loại đến từ Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, sau khi Hiệp định RCEP được ký kết, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu thế giới về tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Tham gia vào hội nhập sâu, nhanh đã giúp Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Hiệp định RCEP được ký kết sẽ giúp cho nguồn nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu DN nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ không đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất khẩu vào 2 thị trường lớn là Hoa Kỳ và châu Âu, vì Trung Quốc không tham gia vào CPTPP và EVFTA. Như vậy hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường trên không được hưởng ưu đãi về thuế quan”. Bên cạnh đó, giảm thuế với hàng nhập khẩu sẽ khiến các DN công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước gặp khó khăn lớn vì cạnh tranh với nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc.
Tương tự, ngành Da giày, Điện tử, Máy móc thiết bị và phụ tùng Việt Nam đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Khi thuế những nhóm hàng trên được xóa bỏ, các DN tại Việt Nam có thể tăng nhập khẩu nguyên liệu, như vậy các DN hỗ trợ cho những ngành trên tại Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. DN Việt khó vượt qua được mặt hàng cùng loại của Trung Quốc vì họ có ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ phát triển, chủ động được đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ nên giá thành của sản phẩm rất rẻ. Như vậy, Hiệp định RCEP có thể khiến cho nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, Hàn Quốc gia tăng.
Hiện nay, nhiều nền kinh tế của các nước thành viên RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, nhưng năng lực cạnh tranh tốt hơn mặt hàng sản xuất trong nước cũng là sức ép lớn với các DN Việt Nam. Đặc biệt là khi các nước trong RCEP tận dụng cơ hội đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào Việt Nam.
PGS TS Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học Ngoại thương TP.HCM chia sẻ: “Các DN nên chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước những tác động bất lợi của RCEP. Có phương án, kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới, tìm cách chuyển sức ép cạnh tranh thành động lực mới để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Bên cạnh việc tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, DN có thể liên kết, hợp tác với DN trong nước, nước ngoài để tăng khả năng cạnh tranh giữ thị phần ở thị trường nội địa và xuất khẩu.