Kỳ lạ chuyện phi công cùng lúc chiến thắng kẻ địch, thiên nhiên và số phận
Cách đây 80 năm, cuộc đời phi công Liên Xô Zakhar Sorokin đã thay đổi đột ngột, khi chỉ trong một ngày phải trải qua nhiều sự kiện đến nỗi có thể dựng thành phim.
Anh hùng phi công Liên Xô Zakhar Sorokin. Ảnh: TASS
Đó là trận không chiến cùng lúc với 4 chiếc tiêm kích Messerschmitt của Đức Quốc xã, bị thương, đâm vào máy bay địch, hạ cánh khẩn cấp xuống hồ nước đóng băng, tiếp tục chiến đấu với quân phát xít trên mặt đất, sau đó là hành trình 4 ngày chạy về phía đồng đội xuyên qua đài nguyên đầy băng tuyết.
Trận không chiến với quân phát xít
Mùa thu năm 1941, Zakhar Sorokin mới 24 tuổi và được coi là một trong những phi công triển vọng nhất của Trung đoàn Không quân Hải quân thuộc Hạm đội Phương Bắc. Chỉ trong 2 tháng, anh đã bắn hạ 5 máy bay tiêm kích của Đức Quốc xã, được Liên Xô trao tặng Huân chương Cờ Đỏ và bổ nhiệm làm Phi đội phó.
Ngày 25/10, Sorokin và phi công lái máy bay kèm sau Dmitry Sokolov nhận được cảnh báo máy bay Đức đang tiến đến sân bay Vaenga, nơi họ đóng quân. Hai chiếc MiG-3 cất cánh, tăng độ cao lên đến 6.000m thì phát hiện thấy 4 chiếc tiêm kích hạng nặng Messerschmitt Bf.110 của quân địch nổi bật trên nền mây xanh đen.
Máy bay đi đầu ra hiệu lệnh ẩn mình ở tầng mây trên cùng, và khi máy bay địch xuất hiện phía dưới thì bắt đầu tấn công. Sorokin đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của kẻ địch.
Phi công bay cùng Sokolov chiến đấu với chiếc tiêm kích thứ hai, còn Sorokin chuyển sang tấn công chiếc thứ ba. Sau đó, chiếc Messerschmitt thứ tư xuất hiện từ trong những đám mây. Phi công Sorokin nghe thấy tiếng đạn bắn vào cánh và buồng lái, trong đó có một phát trúng vào đùi làm anh bị thương.
Một chiếc MiG-3 hết vũ khí đã quyết định đâm vào máy bay địch. Các cánh quạt cắt đứt phần đuôi của chiếc tiêm kích Đức làm cho nó rơi xuống, trong khi chiếc MiG cũng bị chao đảo rơi theo vòng xoắn ốc.
Nén cơn đau ở đùi, Sorokin đã giữ cho máy bay thăng bằng, nhưng nó đã nhanh chóng mất độ cao. Phi công tắt động cơ và ngắt vòi bình xăng để tránh bị bốc cháy khi hạ cánh khẩn cấp. Anh nhìn thấy giữa những ngọn đồi có một hồ nước nhỏ đóng băng và đáp xuống đó mà không cần hạ càng máy bay.
“Khi mở nắp buồng lái ra, hơi nước từ bộ tản nhiệt bị hư hỏng tràn vào bên trong. Từ trên cao, tiếng gầm rú của động cơ vang lên và máy bay kèm sau bay qua phía trên hồ. Rõ ràng, Dmitry Sokolov muốn làm cho tôi phấn chấn lên. Bỗng nhiên có tiếng chó sủa, một con chó to lớn lao về phía buồng lái. Được biết người Đức thường mang theo chó nghiệp vụ trên các chuyến bay, nên tôi nhanh chóng đậy nắp buồng lái lại. Rút khẩu súng lục của mình ra, cẩn thận nhấc nắp buồng lái lên và bắn”, phi công Zakhar Sorokin viết lại sau chiến tranh.
Phi công Liên Xô ngoái nhìn ra sau thì thấy một chiếc Messerschmitt bị vùi trong lớp tuyết nằm cách không xa, đó là chiếc máy bay đầu tiên bị anh bắn hạ. Một bóng người trong bộ đồ bay bước từ tiêm kích của Đức sang chiếc MiG.
Sorokin nổ súng khiến phi công Đức ngã gục xuống. Chiếc Messerschmitt Me-110 là loại có hai chỗ ngồi, nên anh phải đánh giáp lá cà với tên phi công thứ hai do lúc đó súng của anh bị hóc. Trận đấu này đã để lại cho Sorokin một vết sẹo trên mặt do dao găm gây ra.
Xuyên qua đài nguyên đầy băng tuyết
Sau khi cho la bàn, kẹo sô cô la, thức ăn đóng hộp và súng bắn đạn tín hiệu vào trong túi, phi công Liên Xô đã đi theo hướng mà chiếc máy bay kèm sau vừa bay đi.
Theo ước tính của Sorokin, quãng đường đến được sân bay phải mất ít nhất là 70km, trong khi băng tuyết trên bán đảo Kola vào tháng 10 rất khắc nghiệt. Không được phép ngủ vì sẽ chết cóng, nên Sorokin phải đi liên tục, chỉ dừng lại một chút để nghỉ ngơi.
Để giữ sức, anh trượt xuống những con dốc phủ đầy băng như thời thơ ấu anh vẫn thường chơi ở vùng Siberia. Sang đến ngày thứ hai của cuộc hành trình, xuất hiện một con sói Bắc Cực ở ngay gần, buộc anh phải nổ súng bắn đạn tín hiệu để xua nó bỏ chạy.
Ngày thứ ba, viên phi công bị sụt chân rơi xuống hồ nước sâu đến ngang thắt lưng. Hai chân nhanh chóng bị đông cứng và không thể cử động được, nên Sorokin phải trườn bằng hai tay. Đến cuối ngày thứ tư thì anh di chuyển đến được phía các đồng đội mình.
Trong bệnh viện, hai bàn chân đông cứng của anh đã bị cắt cụt và sau thời gian dài điều trị, anh được cho là không đủ khả năng để bay. Sorokin phải tập đi lại với những bước ngắn, đầu tiên là đến cửa phòng, sau đó đến lối rẽ của hành lang bệnh viện...
Tuy nhiên, phi công này vẫn khao khát được bay để chiến đấu chống lại không quân phát xít, trả thù cho đứa con trai 2 tuổi của mình chết thảm trong một vụ bị địch ném bom.
Sau đó, Zakhar Sorokin đã đến gặp Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô Nikolai Kuznetsov và 2 tuần sau bệnh viện nơi anh điều trị nhận được giấy gửi từ Bộ Tổng tư lệnh: “Theo đánh giá cá nhân, Thượng úy Zakhar Sorokin được công nhận là phù hợp với hoạt động bay trên tất cả các loại máy bay có cần hãm ở tay ghế điều khiển, cũng như với việc nhảy dù xuống nước”.
Trở thành anh hùng
Tháng 2/1943, Thượng úy Sorokin trở lại Trung đoàn của mình và bắt đầu bay. Trên đôi chân giả, anh không thể chạy ra sân khi có báo động và phải ngồi trong buồng lái một hồi lâu.
Sau khi được bay trở lại, Sorokin đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên vào ngày 25/3/1943. Không lâu sau, một tùy viên quân sự của Anh đã đến Bắc Cực để trao cho anh Huân chương Đế chế Anh.
“Nước Nga chỉ cần có những con người như vậy thì bất khả chiến bại”, nhà ngoại giao này nói.
Tính đến tháng 6/1944, Đại úy cận vệ Zakhar Sorokin đã bắn rơi 11 máy bay của Đức Quốc xã, trong đó có 8 máy bay tiêm kích, 2 máy bay ném bom và 1 máy bay do thám Fw-189.
Chiếc do thám có khả năng cơ động tuyệt vời và là mục tiêu khó hạ gục nhất trong các trận không chiến. Dù trong tình trạng bị mất chân, nhưng phi công Liên Xô này đã bắn rơi 6 chiếc máy bay.
Tháng 8/1944, khi trở về sau một chuyến bay khác, Sorokin bỗng nghe thấy giọng nói cất lên trong tai nghe của mình: “Đồng chí đã trở thành anh hùng!”.
Ngoài Huy chương Sao Vàng, người anh hùng này còn được Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin và 3 Huân chương Sao Đỏ.
Trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Zakhar Sorokin đã thực hiện tổng cộng 267 phi vụ chiến đấu. Sau chiến thắng, ông tiếp tục phục vụ trong Lực lượng hải quân và chuyển sang quân dự bị vào năm 1955.
Zakhar Sorokin sau đó chuyển đến sống ở thủ đô Moscow, làm việc trong Ủy ban Cựu chiến binh Liên Xô và viết 15 cuốn sách.