Kỳ lạ ngôi làng 'tổ mối' ẩn mình trong những chóp đá khổng lồ

Nằm ẩn sâu ở vùng núi phía Tây Bắc của Iran là ngôi làng 'tổ mối' Kandovan. Nơi đây nổi tiếng với kiến trúc nhà độc đáo, là những nhà hang động được chạm khắc từ những khối núi đá lửa khổng lồ.

Ngôi làng Kandovan thuộc tỉnh East Azerbaijan của Iran, nằm dưới chân ngọn núi Kuh-e Sahand, vùng thung lũng có dòng sông Osku chảy qua. Nơi này cũng có một phần thuộc khu vực hồ Urmia, nơi mà những người Ba Tư và người Medes đầu tiên đặt chân đến vào năm 844 trước Công nguyên. Theo những bản khắc đá của người Assyrian thì đây từng là trung tâm của giai đoạn 2 nền lịch sử Zoroastrian.

Sở dĩ Kandovan trở nên đặc biệt vì tất cả những ngôi nhà của dân làng đều ẩn mình trong những chóp đá có hình thù kì quái.

Khu dân cư này trông chẳng khác gì những tổ mối trong thiên nhiên nhưng điểm đặc biệt là nó cấu tạo từ những lớp tro núi lửa cổ đại, bị chèn, nén qua hàng ngàn năm mà thành.

Quang cảnh nơi đây khiến các khách du lịch mường tượng đến những cộng đồng người tiền sử sống sâu trong hang động để tránh thú rừng.

Có người vui tính còn gọi dân làng Kandovan là những người tiền sử thời hiện đại do thói quen sinh hoạt trong các hang đá của họ.

Nguyên nhân hình thành của các chóp đá là quá trình phun trào của núi lửa Sahand đã tạo nên những mảnh nham thạch chồng chất lên nhau sau đó đến lượt các lớp tro phủ lên.Trải qua hàng ngàn năm, nơi đây đã trở thành một địa điểm thuận lợi để xây dựng nhà cửa cho người dân.

Theo các nhà khoa học, cấu tạo của các chóp đá trong làng Kandovan chủ yếu là đá hoa cương và mật độ tro núi lửa cực lớn.

Điều này có thể khẳng định rằng, trong quá khứ xa xưa đã từng có những vụ phun trào khổng lồ của núi lửa Sahand.

Qua xác định đồng phân Cacbon, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những lớp tro bụi ở đây đã có hàng triệu năm tuổi và bắt đầu hóa rắn sau vụ phun trào cuối cùng Sahand cách đây 11 nghìn năm.

Giờ đây ngọn núi lửa đã hoàn toàn ngủ yên, phần miệng trở thành thung lũng đá được vây quanh bởi 12 ngọn núi khác nhau, ngọn cao nhất là 3.700m so với mực nước biển.

Ngoài những công trình nhà ở đặc biệt Kandovan còn nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi với những dòng suối tự nhiên có khả năng chữa bệnh.

Cá biệt trong số đó, những dòng nước chảy từ thời xa xưa trong vách núi xuống làng có khả năng bào mòn và hòa tan sỏi thận.

Bên cạnh đó, làng Kandovan còn có nhiều loại thực vật, thảo dược đặc biệt có khả năng chữa bệnh mà nhiều người đã không quản xa xôi tìm đến để mua.

Cư dân tại đây đa số sinh sống nhờ nông nghiệp, chăn nuôi ong hoặc gia súc. Nhờ thời tiết thích hợp và thảm thực vật phong phú dưới chân dãy núi Sabalan và Sahand, mật ong tại đây được đánh giá là có chất lượng hoàn hảo.

Với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, những ưu đãi của thiên nhiên cùng với lối sống hiếu khách mà nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch lí tưởng cho các du khách thích khám phá những vùng đất kì lạ.

Ở đây có một khách sạn đặc biệt trong lòng các chóp đá lớn với 10 phòng phục vụ các du khách gần xa, đem lại cảm giác sống trong hang đá như người dân bản địa.

Nó được khai trương vào năm 2007, khi mà lượng du khách có nhu cầu ở lại ngày càng tăng cùng sự nổi tiếng của Kandovan.

Trước đó, vấn đề lớn nhất của các du khách khi đến đây là chỉ đến thăm trong ngày, thời gian bị khống chế do quãng đường 60km từ Tabriz đến Kandovan khá hoang vắng, bắt buộc phải đi từ khi trời còn sáng.

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi người dân địa phương chấp nhận kinh doanh du lịch là nguồn thu nhập chính của mình. Cũng vì thế mà dân làng bắt đầu thay đổi thói quen nông nghiệp và canh tác du mục truyền thống của mình.

Với cấu tạo được hình thành sau hàng ngàn năm được nén lại, chóp đá ở đây có đủ độ cứng như các loại bê tông thường dùng trong xây dựng hiện đại.

Người dân thoải mái đào sâu bên trong đó tạo nên những ngôi nhà nhiều tầng với sàn và tường và những lớp đá có sẵn rất vững chắc.

Ngoài ra, đá hoa cương còn là loại vật liệu có khả năng cách nhiệt rất tốt, giúp người dân tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Những ngôi nhà ở làng Kandovan mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, là nơi cư trú rất thoải mái quanh năm.

Hầu hết các ngôi nhà ở Kandovan cao từ 2-4 tầng, tuy nhiên một ngôi nhà truyền thống thường có 4 tầng. Trong đó, tầng 1 được sử dụng làm nơi nhốt gia súc, tầng 2,3 phục vụ sinh hoạt hằng ngày của gia đình và tầng 4 là nơi chứa các loại lương thực dự trữ sau khi thu hoạch mùa màng.

Theo những người dân đang sống ở Kandovan hiện nay, ngôi làng đã có 700 năm lịch sử, bắt đầu từ thế kỉ 13 khi những người bị quân Mông Cổ truy đuổi tìm đến đây để ẩn nấp bên trong những chóp đá này.

Sau khi thoát khỏi cuộc truy bắt, nhiều người đã bỏ đi nhưng vẫn có một số ở lại và gây dựng nên một Kandovan với nhiều căn nhà đặc biệt như hiện nay.

Tuy nhiên, sau khi các chuyên gia khảo cổ phân tích các mẫu vật ở đây, họ khẳng định rằng Kandovan đã là nơi trú ngụ của các cư dân thời Zoroastrians từ 3.000 năm trước.

Mặc dù trên thế giới có 2 ngôi làng vách đá khác có cấu trúc tương tự là Cappadocia ở Thổ Nhĩ Kỳ và Manitou Cliff Dwellings ở Mỹ, Kandovan vẫn là ngôi làng đặc biệt nhất. Không giống như 2 ngôi làng còn lại, Kandova và ngôi làng vách đá duy nhất trên thế giới có người sinh sống, và dân số tại đây là 670 người. Trong khi đó mỗi năm, ước tính có khoảng 300 nghìn khách du lịch đến thăm Kandovan.

Ngoài ra, du khách cũng có thể dạo bộ trên những cung đường dài chạy qua thung lũng tốt tươi và tận hưởng thời tiết dễ chịu, trò chuyện với những cư dân thân thiện, ngắm nhìn toàn cảnh hoàng hôn lộng lẫy trong khi thưởng thức món mật ong tuyệt vời và trái cây tươi ngon. Tất cả những điều trên đã khiến Kandovan trở thành một trong những địa điểm du lịch đáng ghé thăm nhất ở vùng Tây Bắc Iran.

KHÁNH LINH(t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-la-ngoi-lang-to-moi-an-minh-trong-nhung-chop-da-khong-lo-204240716171710619.htm