Kỳ lạ, nông dân mua lại hồ tiêu của đại lý đầu cơ giữa lúc giá nhảy múa
Giá tiêu tăng từng ngày khiến nông dân có niềm tin sẽ còn tăng trong thời gian tới. Do đó, nhiều nông dân không chỉ 'ghim' hàng của nhà trồng được mà còn mua ngược của đại lý để đầu cơ.
Dù đang vào mùa song nhiều đại lý thu mua nông sản ở huyện Cư Kuin - “vương quốc hồ tiêu” của tỉnh Đắk Lắk khá nhàn rỗi. Tại điểm thu mua hồ tiêu của Cty TNHH Như Linh (xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin), PV ghi nhận không khí giao dịch trầm lắng.
Người dân chở 1-2 bao hồ tiêu, có người chỉ mang vài ki-lô-gam (kg) đến bán. Mang khoảng 10kg hồ tiêu đến đại lý, ông Nguyễn Văn Tính (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cho biết, cần tiền đi khám bệnh mới bán. Nhà ông có 1 ha tiêu, đã thu hoạch một nửa nhưng chưa bán vội.
Anh Phạm Đắc Túc, Giám đốc Cty TNHH Như Linh cho hay, mỗi ngày chỉ mua được vài tấn tiêu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (dao động từ 20-30 tấn/ngày). Anh thu mua hồ tiêu qua thương lái là chính (80%), còn lại nông dân mang hàng đến bán trực tiếp. Tuy vậy, thời điểm này, anh mua không được bao nhiêu vì nông dân găm hàng, thương lái cũng đầu cơ.
Ông Nguyễn Đình Hải, chủ đại lý nông sản Minh Hải (huyện Cư Kuin) thông tin thêm, giá tăng từng ngày nên giao dịch bị ngưng trệ. Nông dân không chỉ giữ hàng của nhà trồng được mà còn rót tiền mua thêm từ đại lý để đầu cơ.
Mấy ngày qua, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong đó có nông dân cũng đến đại lý của ông Hải đặt mua hồ tiêu với số lượng lớn. Có người mua tới 30 tấn tiêu để trữ hàng, chờ giá tăng bán kiếm lời.
Ông Hải bán ngay, bởi giá hồ tiêu biến động khó lường, như ngày 18/3, giá tiêu đạt đỉnh 80 nghìn đồng/kg (cao nhất trong 3 năm trở lại đây); tuy nhiên đến trưa ngày 19/3 thì bất ngờ rớt còn 75 nghìn đồng/kg.
Hơn 30 năm trong nghề thu mua nông sản, ông Hải chia sẻ: “Giá cao, không ai muốn bán dù họ đang bị nợ bủa vây. Khi giá hạ xuống, cả nông dân và các con buôn nhỏ lẻ cũng chưa vội bán; nhưng chỉ thêm một vài đợt giảm, nhiều người lại bán tháo”.
Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hồ tiêu Đắk Lắk thông tin, giá hồ tiêu mới chỉ tăng mạnh ở nội địa (vùng sản xuất), còn thị trường tiêu thụ (nước ngoài) không tăng nhanh. Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn hàng dự trữ và chưa vội thu mua khi giá tiêu trong nước tăng vọt.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, sở dĩ giá tiêu trong nước tăng cao là do quy luật cung cầu. Năm nay hồ tiêu trên cả nước đều mất mùa nặng, nông dân biết, nên trữ lại chờ tăng giá.
Nhiều đại lý, doanh nghiệp, thậm chí những người có tiền cũng mua hồ tiêu để đầu cơ dẫn đến nguồn cung tạ thời bị hụt. Tuy vậy, ông cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng, tránh rủi ro khi giữ hàng quá nhiều.