Kỳ Lão vào mùa thu hoạch trám
Thời điểm này, ở xã miền núi Kỳ Phú, huyện Nho Quan, bà con đang hối hả vào mùa thu hoạch quả trám (người địa phương hay gọi là quả bùi). Năm nay trám mất mùa nhưng được giá 'kịch trần' lên tới 200 nghìn đồng/kg trám đen và 250 nghìn đồng/100 quả đối với trám xanh.
Cụ Đinh Hồng Phong, 78 tuổi người bản Ao bên cây trám cổ thụ của gia đình.
Từ sáng sớm, ông Đinh Văn Thủy (bản Ao, xã Kỳ Phú) đã cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị đồ nghề lên đồi hái trám. Nhà ông có 20 cây trám, trong đó có 10 cây đã trên 35 năm tuổi. “Vườn trám của gia đình tôi đều được trồng lâu năm nên cây cao và rất khó khăn trong thu hoạch. Bên cạnh việc trèo lên cây hái thì còn phải dùng sào, rọ để bẻ từng cành cẩn thận. Nhiều năm gia đình phải thuê người trèo chứ không tự thu hái được.
Năm ngoái gia đình tôi thu được 30 nghìn quả, bán với giá trung bình 150 nghìn đồng/100 quả. Năm nay vườn ít quả hơn nhiều, dự kiến chỉ thu được khoảng 5 nghìn quả, bù lại trám được giá, bán tại vườn là 200 nghìn đồng/100 quả đối với trám đen và 250 nghìn đồng/100 quả đối với trám xanh”, ông Thủy chia sẻ.
Cụ Đinh Hồng Phong, 78 tuổi, người bản Ao cho biết: Cái danh “Trám Kỳ Lão” nổi tiếng bởi những đặc điểm khác biệt hẳn với trám ở Hòa Bình, Thanh Hóa hay bất kỳ vùng đất nào. Quả trám ở đây khi chín vào thời điểm vừa bứt xuống, núm quả màu vàng tươi chứ không sẫm màu; da quả căng mọng, mỡ màng. Thịt quả khi om lên mọi người ăn vào sẽ cảm nhận được vị bùi, ngậy, đậm đà và không hề bị cứng và cũng không thấy vị chát. Ngon như vậy nên trám ở đây luôn được các thương lái săn đón. Cây trám ra hoa vào tháng 2 và đến tháng 7 âm lịch thì bắt đầu cho thu hoạch, nhưng ngay từ đầu tháng 6 thương lái đã đến từng nhà đặt tiền trước mua quả.
Được biết, cây trám đã có mặt ở Kỳ Phú từ lâu đời, tuy nhiên vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi đời sống được cải thiện, món quả trám xuất hiện thưa dần trong mâm cơm của các gia đình, cây trám dần bị chặt bỏ để thay thế bằng các cây trồng khác.
Toàn xã chỉ còn lại ngót nghét 200 cây trám đen địa phương, riêng cây trám xanh chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, tập trung ở các bản Sau, bản Cả, bản Ao, bản Mét. Nay quả trám lại trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, giá bán cao nên nhiều người dân đã chú ý đến việc chăm bón. Tháng 11 hàng năm, bà con xới xáo quanh gốc, tác động vào rễ, bón phân NPK và Kali để cây ra quả sai hơn.
Ngoài ra nhiều hộ còn tự nhân giống, trồng mở rộng diện tích. Tuy nhiên nhiều người cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc này bởi: Nếu nhân giống bằng hạt thì cây rất lâu cho quả từ lúc trồng đến lúc có quả ổn định phải mất 15 năm, đặc biệt là cây cao, khó thu hái. Còn trồng trám ghép thì sợ chất lượng quả không đảm bảo. Vì vậy mong có sự tư vấn, giúp đỡ về mặt kỹ thuật của các nhà chuyên môn để cây trám trở thành một trong những cây giảm nghèo củangười dân miền núi như Kỳ Lão.
Phân tích thành phần hóa học của quả trám các nhà khoa học cho biết: quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu... và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo. Tác dụng sinh học của một số loài thuộc chi Trám cũng đã và đang được quan tâm nghiên cứu chủ yếu liên quan đến khả năng chống ô xi hóa, kháng khuẩn, bảo vệ gan, giảm đau và kháng viêm. Còn theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc nên được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả trám xanh (trám ngày) có tác dụng giải độc.
Bài, ảnh: Hà Phương
Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ky-lao-vao-mua-thu-hoach-tram-20190830082548215p2c20.htm