Kỷ luật Đảng - 'Điểm son'

ĐTO - Các thông tin gần đây về xử lý kỷ luật đối với một số chức vụ cao cấp trong Đảng đã gây nên nhiều nhận thức, nhận định khác nhau trong xã hội và ngay trong Đảng. Trong khi nhiều người đồng tình với hình thức kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương, không ít người lo lắng về tình trạng số lượng cán bộ bị kỷ luật ngày càng nhiều mà trong số đó có người được tin cậy giữ trọng trách cao. Từ một góc nhìn tích cực, chúng ta thấy việc người vi phạm tự nhận kỷ luật và tập thể xem xét ra quyết định kỷ luật là một dấu hiệu tốt. Nó chứng minh, Đảng giữ được bản chất giai cấp công nhân, tuân thủ học thuyết Mác - Lênin và nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới.

Để có thể hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn vấn đề sẽ bàn luận, chúng ta xem lại vài điểm quy định có liên quan về Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam “là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”, “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng” (trích dẫn từ ĐIỀU LỆ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM). Từ bản chất của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam thu nạp vào Đảng những người “là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân”. Và thông qua quá trình giáo dục, rèn luyện và thử thách của tổ chức, từng đảng viên sẽ trưởng thành. Nhưng, như bất kỳ một thực thể sống động nào khác, Đảng cũng sàng lọc và đào thải những phần tử thoái hóa, biến chất từ trong hàng ngũ của mình. Như vậy, việc có vào, có ra là một tất yếu.

Tuy vậy, vừa qua, vài sự kiện kỷ luật đảng viên mà trong đó có những người giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước làm cho không ít đảng viên và quần chúng lo lắng. Trong số ấy, có người nghĩ rằng, đảng viên (cán bộ - người có chức vụ trong Đảng) không còn giữ được tính tiên phong, gương mẫu. Xét ở một góc độ nào đó, nhận định này không sai và đây là điều đáng tiếc! Những đảng viên ấy đã mất phẩm chất, tư cách người đảng viên, vi phạm kỷ luật của Đảng. Nhưng ở mặt khác, chúng ta cũng thấy tổ đảng và đảng viên vẫn giữ kỷ cương của Đảng. Về phía tổ chức, các chủ trương lớn và nguyên tắc của Đảng như: Cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra”; việc chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được tuân thủ. Về phía đảng viên, ý thức nhận trách nhiệm theo tinh thần kỷ luật nghiêm minh của Đảng được chấp hành. Khi vụ việc đã bị phát hiện, họ đã làm đơn từ nhiệm các chức vụ của mình. Mặc dù chưa nêu cao tính tự giác sớm hơn, họ đã không “cãi chày cãi cối”, đổ lỗi cho khách quan và người khác, tìm mọi cách “thoát” trách nhiệm, an nhiên trên cương vị và cố trèo lên vị trí cao hơn nếu có thể. Đây là một dấu son vào sự thành công trong công tác xây dựng Đảng.

Hãy hình dung, người vi phạm che dấu được lỗi lầm, “chạy tội” thành công và tập thể ấy bao che, “nuông chiều”, “nuôi dưỡng” thì họa về sau đáng sợ dường nào. Trong thời gian qua, một số vụ án được cấp có thẩm quyền xử lý và báo chí công bố cho chúng ta thấy tình trạng “tê liệt” sức chiến đấu của tổ chức đảng một số nơi đến mức báo động. Và, những cá nhân có liên can của vụ án ấy thật ti tiện. Ngay tại “vành móng ngựa”, họ vẫn kể công và đến khi “hết đường chống cự”, họ van xin với nhiều lý do của gia cảnh. Dù có thể “bên lề” của “lý luận diễn biến hòa bình”, họ lại đúng với mẫu người mà các thế lực phá hoại Đảng mong muốn: “Chúng ta sẽ âm thầm, nhưng tích cực và thường xuyên không ngừng thúc đẩy thái độ tự tiện, liều lĩnh của các quan chức, để họ tham lam vô độ, mất nguyên tắc... Vô lại và vô liêm sĩ, lừa gạt và dối trá...” (Giám đốc Cục Tình báo Trung ương George Kennan và Ngoại trưởng Allen Dulles). Đối với những người này, chúng ta nói họ chưa từng là đảng viên Cộng sản thì đúng hơn gọi họ là đảng viên bị suy thoái. Ở đây, chúng ta thấy, tổ chức đảng giữ vững nguyên tắc và người đảng viên bị vi phạm đã dũng cảm nhận lấy trách nhiệm và từ bỏ các chức vụ mà cả một quá trình phấn đấu lâu dài.

Lênin từng chỉ ra rằng: “Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: Là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài”. Nhận thức được khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa là một trong những yêu cầu của nguyên tắc xây dựng Đảng (tự phê và phê bình). Và khi đến mức vi phạm kỷ luật, đảng viên phải nhận thức được trách nhiệm của mình. Kỷ luật Đảng là nghiêm minh và tự giác. Theo nguyên tắc và ý nghĩa ấy, sự nhận lấy trách nhiệm và chịu kỷ luật trong một vài trường hợp vừa qua chính là “điểm son” công tác xây dựng Đảng.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-luat-dang-diem-son--122195.aspx