Kỷ luật Đảng không chỉ 1 cá nhân mà cả một tập thể
'Nếu như trước đây chỉ có 1 người thôi, còn bây giờ là cả thập thể bị kỷ luật nếu mắc sai phạm. Bởi vì chúng ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ và đề cao vai trò của người đứng đầu'.
Năm 2022, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã có những chuyển biến rất tích cực cả về nhận thức và hành động cụ thể. Nếu trước đây, chúng ta mới chú trọng đến công tác kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, thì nay hoạt động kiểm tra, giám sát đã được thực hiện một cách đồng bộ hơn. Điều đặc biệt là những kết luận sau kiểm tra, giám sát đã kịp thời công bố công khai và tổ chức thực hiện nghiêm minh hơn.
Đã thành thông lệ, từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay, các thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành gần như đều đặn hàng tháng.
Nếu trong nhiệm kỳ khóa XII đã có hơn 50 thông báo kết luận được ban hành, thì từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay đã có 24 thông báo kết luận về xử lý kỷ luật và đề nghị xử lý kỷ luật đối với các Ban cán sự Đảng, các cá nhân đã được ban hành. Sau các thông báo kết luận, hàng nghìn tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2022, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 230 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật gần 9.000 đảng viên, trong đó Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng, 5 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 28 đảng viên.
6 Ủy viên Trung ương bị thi hành kỷ luật, trong đó Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 3 người, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo 3 người.
Nhìn vào số liệu các thông báo kết luận kiểm tra được thông báo công khai cũng như số lượng tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật thời gian qua, nhiều chuyên gia có chung nhận định: Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã có những bước chuyển biến mới cả về nhận thức lẫn hành động.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác kiểm tra của Đảng đã có một năm rất thành công trong việc thực hiện điều lệ của Đảng. Công tác kiểm tra gắn liền với giám sát và công tác giám sát đã đi trước một bước để phát hiện sai phạm. Sau kiểm tra đã xem xét mức độ vi phạm, đưa ra kết luận và xử lý hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh.
"Công tác kiểm tra của Đảng trong năm qua có thể nói là rất thành công trong việc thực hiện điều lệ Đảng. Qua kiểm tra, giám sát phát hiện nhiều vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có một số cán bộ cấp cao, người đứng đầu các địa phương. Điều đó đã giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật một cách rất nghiêm khắc, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh"- ông Đỗ Duy Thường cho biết.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cũng cho rằng, nếu như trước đây thời kỳ Đại hội V, Đại hội VI, công tác kiểm tra mới chỉ tập trung vào việc chấp hành điều lệ, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, sau đó là kiểm tra có dấu hiệu vi phạm. Nhưng bây giờ, có thông tin là vào cuộc kiểm tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời. Sự chủ động kiểm tra, giám sát xử lý kịp thời như vừa qua đã khiến nhiều cán bộ mới bị cảnh cáo cũng đã tự giác rút lui.
"Vài năm nay, Đảng và Nhà nước thêm chữ "giám sát", còn trước đây không nói đến giám sát, chỉ nói đến kiểm tra. Đây là một bước tiến để nhận thức việc kiểm tra phải gắn với giám sát. Đây là nhận thức tốt, rất đúng, rất trúng. Năm nay, cơ quan chức năng đã chủ động kiểm tra, giám sát, phát hiện đến đâu xử lý đến đó và xử nhanh. Ví dụ cán bộ mới bị kỷ luật cảnh cáo, khiển trách thôi, nhưng điều đó cho thấy uy tín đã suy giảm thì cán bộ xin nghỉ công tác đi, như thế là rất tốt"- ông Ngô Văn Sửu cho biết.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thị Báo, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, ngoài việc chủ động kiểm tra, giám sát với các tổ chức Đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, cũng đã kịp thời xử lý kỷ luật những tổ chức, đảng viên vi phạm với tinh thần không có ngoại lệ, đã xử lý nghiêm đối với người đứng đầu khi tổ chức đảng ở đó có vi phạm. Đây là cách làm mới và là một dấu ấn rất đáng ghi nhận trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
"Nếu như trước đây chỉ có 1 người thôi, còn bây giờ là cả thập thể bị kỷ luật nếu mắc sai phạm. Bởi vì chúng ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ và đề cao vai trò của người đứng đầu. Bây giờ không có chuyện cấp phó và người trực tiếp quản lý của mình vi phạm, trong khi thủ trưởng, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan vẫn bình chân như vại. Đây là dấu ấn, thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ của của Bộ Chính trị, Ban bí thư, làm cho mọi người phải nâng cao hơn ý thức trách nhiệm và đem lại niềm tin cho người dân" - PGS.TS Nguyễn Thị Báo cho biết.
Hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đã chủ động thực hiện toàn diện các quy định của Điều lệ Đảng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tham mưu cho Bộ Chính trị nhiều nội dung về thanh tra, kiểm tra, thi hành kỷ luật Đảng, chỉ đạo trực tiếp việc thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, tiến hành kiểm tra các tổ chức Đảng, các đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng vẫn còn những hạn chế như: một số tổ chức Đảng các cấp và người đứng đầu cấp ủy, Ủy ban kiểm tra chưa thực sự quan tâm quyết liệt trong kiểm tra, giám sát. Nội dung thực hiện còn dàn trải chưa đi vào trọng tâm, chưa giải quyết kịp thời dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu còn e ngại. Một số tổ chức đảng được nhắc nhở cảnh báo vẫn tiếp tục tái phạm, nhiều tổ chức còn thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính hình thức đối phó. Một số tổ chức bị xử lý kỷ luật chưa tương xứng với mức độ vi phạm./.