Kỷ luật để nhận ra sai lầm

Trong bất cứ môi trường nào thì khen thưởng cũng đi kèm với kỷ luật

Để giáo dục một đứa trẻ bằng hình thức khen thưởng hay kỷ luật, người thầy phải được trao quyền chủ động cao nhất và phải thực hiện việc giáo dục trên nền tảng yêu thương.

Việc quy định đến mức chi tiết hình thức nào được sử dụng, hình thức nào không được sử dụng trong việc giáo dục trẻ sẽ đánh mất sự linh hoạt, sự tin tưởng và sự cân bằng trong việc bảo vệ trẻ và quyền chủ động của người thầy.

Lấy ví dụ từ thực tế, cách đây hai tháng, trường vừa đề nghị tạm dừng học một ngày với học sinh lớp 1. Nguyên nhân là em này sử dụng các hành vi không mong đợi như la hét, ăn vạ, hất đổ bàn học… như một công cụ để kiểm soát và điều khiển mọi người. Mỗi lần em la hét, khóc lóc, ăn vạ là mỗi lần những đòi hỏi dù thật vô lý của em vẫn được gia đình đáp ứng.

Em mang suy nghĩ, cách hành xử ấy vào trong trường học. Hành vi này lặp đi lặp lại rất nhiều lần dù giáo viên đã thực hiện nhiều biện pháp kỷ luật tích cực để giúp em thay đổi. Hình thức cho em nghỉ học một ngày là hình thức kỷ luật cao nhất, nặng nhất mà em đã được giáo viên nói chuyện. Trước khi thực hiện hình thức này, nhà trường đã trao đổi với gia đình cùng thống nhất cách giáo dục: Không nhượng bộ, chỉ nói chuyện khi em biết sử dụng lời nói để diễn tả điều mình muốn. Khi ngưng la hét và nói điều mình muốn, giáo viên và gia đình đáp ứng đòi hỏi của em nếu yêu cầu này hợp lý, còn không sẽ thỏa thuận lại và đề nghị một hướng giải quyết khác cho em.

Sau khi trở lại trường sau hình phạt ấy, em ổn hơn, vẫn còn khóc nhưng không la hét, ăn vạ, hay làm hư đồ đạc nữa. Mỗi lần tức lên đã biết hít thở rồi học cách giải thích với giáo viên. Nhà trường vẫn đang quan sát, giúp đỡ em mỗi ngày.

Một cơ chế hỗ trợ xây dựng một hệ thống kỷ luật tích cực, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh; những khóa bồi dưỡng quản lý lớp học hiệu quả là những kế hoạch các nhà quản lý cần hướng đến chứ không phải sự can thiệp quá chi tiết làm thui chột tính chủ động của người thầy.

Trong bất cứ môi trường nào thì khen thưởng cũng đi kèm với kỷ luật. Mục đích của kỷ luật là giúp học sinh nhận thức cái không đúng và sửa đổi để tốt hơn. Tuy nhiên, nếu các hình thức kỷ luật không phù hợp thì sẽ xảy ra những hệ lụy. Để xây dựng một bộ khung về hình thức khen thưởng, kỷ luật trước khi muốn kỷ luật học sinh, chúng ta cần đặt câu hỏi, mục tiêu có giúp học sinh nhận ra sai lầm hay không? Xu hướng của giáo dục hiện nay là kỷ luật tích cực. Trong khi với học sinh, ở bất kỳ lứa tuổi nào các em cũng có sự nhạy cảm riêng. Thiếu kỷ luật cũng không được nhưng kỷ luật phải hợp tình hợp lý và quan trọng là phải có tính giáo dục, giúp học trò sửa sai và tiến bộ.

Trong nhà trường hiện nay, thầy cô cũng gặp nhiều áp lực, sẽ có nhiều giáo viên không lường hết được những hệ lụy sau đó nhưng trước hết, mỗi thầy cô hãy kiên nhẫn, bao dung với học trò, giúp các em hiểu những sai lầm để thay đổi.

Nguyễn Hồ Thụy Anh (giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-luat-de-nhan-ra-sai-lam-1962505202049273.htm