Kỷ luật học sinh: Đừng để quy định vẫn nằm… trên giấy
Sự việc em N.T.N.Y, học sinh Trường THPT Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) được phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh, nghi do uống thuốc tự tử vì bị kỷ luật oan những ngày qua đã khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi về việc: Tại sao đã có thông tư hướng dẫn của Bộ, ở đâu đó, vẫn có trường hợp giáo viên xử lý tình huống thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu tâm lý, không đúng hướng dẫn của ngành để làm tổn thương các em?
Kỷ luật, người lớn nghĩ bình thường, trẻ nhỏ bị tổn thương
Về sự việc ở An Giang những ngày qua, theo báo cáo của Sở GD&ĐT nêu: “Nhà trường có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành là lãnh đạo trường nêu họ tên học sinh vi phạm nội quy dưới cờ, làm ảnh hưởng tâm lý học sinh”.
Cụ thể là gia đình nữ sinh N.T.N.Y (lớp 10A4) nhận được tin từ nhà trường báo em Y bị ngất trong trường. Gia đình đưa Y đi BV Nhật Tân (TP Châu Đốc, An Giang) cấp cứu rồi được chuyển lên BV Nhi đồng 2 (TP HCM) để tiếp tục điều trị. Theo chẩn đoán của BV Nhật Tân, nữ sinh nhập viện do hạ đường huyết, cố tình tự đầu độc bằng Salbutamol… Sau đó, gia đình phát hiện con gái để lại 2 lá thư tuyệt mệnh với nội dung lấy cái chết chứng minh mình không phạm lỗi như nhà trường xử lý.
Gia đình cho hay, con gái mình uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế vì không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Y cũng thường xuyên bị giáo viên nhắc nhở vì mặc áo dài mỏng trước mặt nhiều người khiến em ngượng ngùng.
Nhà trường có mời cha, mẹ em Y đến trường để trao đổi về việc vi phạm của em trong lớp học. Tại buổi làm việc này, em Y cũng đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy lớp. Lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu em Y phải viết bản tự kiểm điểm, hứa sửa chữa, khắc phục và vào trường học tập nội quy...
Theo Sở GD&ĐT An Giang, sau khi kiểm tra, tìm hiểu sự việc, đoàn công tác của Sở chỉ ra: Nhà trường đã có một số hạn chế, thiếu sót trong việc theo dõi, xử lý vụ việc, nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp với quy định hiện hành, trong khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ các thành viên Ban giám hiệu trường.
Giáo viên chủ nhiệm lớp chưa có sự phối hợp với gia đình để giáo dục học sinh một cách hợp lý, gây bức xúc cho học sinh và gia đình học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu trường trong xử lý vụ việc, để sự việc kéo dài, diễn biến phức tạp.
Trên thực tế, khi áp dụng hình thức kỷ luật với học sinh, vừa phải đảm bảo tính kỷ luật cho các em tiến bộ, vừa phải có tính giáo dục và cân nhắc đến tâm lý các em. Người lớn trong vai những người trừng phạt, thường áp suy nghĩ lên vai các em, khó tránh những hình thức không phù hợp. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục - ĐH giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật không tích cực như bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần. Khi bị bêu tên trước toàn trường, cảm xúc của học sinh khi đó sẽ là thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị. Nếu những em vi phạm nhiều lần, bị phạt nhiều lần như vậy sẽ dễ trở nên oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.
Thông tư hướng dẫn của Bộ bị bỏ quên?
Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 32/2020-BGDĐT quy định với những học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường từ ngày 1-11-2020. Tuy nhiên, ở một cơ sở nào đó, vẫn có những lúc quy định bị bỏ quên, chỉ nằm trên giấy.
Theo tinh thần của Thông tư 32, những hình thức “kỷ luật tích cực” được thực hiện bằng cách trao cho học sinh vi phạm cơ hội thực sự để sửa chữa, tiến bộ, mà không gây ra những “vết đen” trong tâm hồn, hay những hệ lụy ảnh hưởng tới cả tương lai các em.
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm. Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.
Thông tư mới đã xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.
Thế nhưng, ở những cơ sở nào đó, việc áp dụng thông tư vẫn bị lãng quên, về việc này, ông Linh cho rằng, có thể văn bản mới ban hành, việc cập nhật, quán triệt của Sở GD&ĐT xuống các trường và các cán bộ quản lý, giáo viên chưa biết để áp dụng. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh, tổ chức tốt các hoạt động tham vấn học đường, công tác xã hội... để hỗ trợ học sinh mạnh khỏe, có kỹ năng tốt để tự giải quyết các khúc mắc hoặc có sự hỗ trợ của chuyên gia, thầy cô giáo.
Chúng ta từng rất mong chờ về những thay đổi cần thiết trong khen thưởng, kỷ luật học sinh, để có những động viên, nhắc nhở phù hợp, xây dựng môi trường học đường thân thiện, vì sự tiến bộ của học trò. Nhưng khi đã có quy định để tạo sự thay đổi, vì những lý do khác nhau, mà cụ thể là sự thiếu chặt chẽ, thiếu quyết liệt của chính con người, mà ở một vài nơi, những thay đổi tiến bộ vẫn chưa được triển khai đúng mức, dẫn đến việc học trò vẫn còn gặp phải những tổn thương.