Kỷ luật Phó chủ tịch HĐND Thủ Đức vì xây nhà không phép
Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết quận Thủ Đức đã kỷ luật khiển trách ông Lê Hữu Thành. Đích thân ông Nhân sẽ theo dõi việc thực hiện tháo dỡ công trình sai phép.
Ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, được phản ánh có liên quan đến 7 công trình không phép tại hẻm 419 đường số 48.
Các công trình này nằm trên khu đất rộng hơn 7.100 m2 do ông Lê Văn Lớn (cha ruột ông Thành) đứng tên chủ sở hữu. Công trình vi phạm đầu tiên được xây dựng từ năm 2012, công trình cuối cùng vào năm 2018.
Bí thư Thành ủy theo dõi việc tháo dỡ công trình vi phạm
Trao đổi với Zing.vn sáng 30/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết quận Thủ Đức đã kỷ luật ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND quận, bằng hình thức khiển trách.
Với những công trình của bản thân ông Lê Hữu Thành, ông này đã tự tháo dỡ. Còn các công trình của họ hàng ông Thành thì cam kết đến hết tháng 10 sẽ tháo dỡ.
"Tôi sẽ theo dõi việc thực hiện các cam kết này", Bí thư Nhân nói.
Trước đó hơn một tuần, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khi đang họp Quốc hội tại Hà Nội đã đích thân bay vào TP.HCM kiểm tra thực tế 7 công trình vi phạm liên quan đến Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức Lê Hữu Thành.
Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo, ông Nhân nhận định quận Thủ Đức đã chậm trễ trong việc xử lý công trình không phép liên quan đến lãnh đạo quận gây bức xúc dư luận. Công trình vi phạm đầu tiên từ năm 2012 nhưng sau 7 năm vẫn chưa cưỡng chế. Điều này xuất phát từ sự thiếu quyết liệt và cả sự nể nang của lãnh đạo quận.
“Nếu báo chí không nêu ra thì chưa biết bao giờ khắc phục. Như vậy là chậm, cán bộ không tự giác”, ông Nhân nhấn mạnh và yêu cầu quận Thủ Đức phải tổ chức kiểm điểm, báo cáo kết quả cho thành phố.
Chấm dứt “phạt cho tồn tại” từ 1/1/2020
Trong khi đó, chia sẻ với Zing.vn về thực trạng xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định các quy định hiện nay về xử lý vi phạm rất rõ ràng, vấn đề là các địa phương phải thực hiện nghiêm túc.
Ông đánh giá ở một số địa phương, đặc biệt như TP.HCM, qua khảo sát chung về quản lý cho thấy thành phố rất tích cực. Biểu hiện của việc xử lý rất kiên quyết tại địa phương này là ban hành nhiều quyết định cưỡng chế các công trình vi phạm, sai phép hoặc không phép.
Cũng tại TP.HCM, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có mô hình mới là bàn vấn đề quản lý trật tự xây dựng ngay từ cấp phường, cấp quận. “Đó là một chuyển đổi rất tốt”, ông nói.
Tư lệnh ngành xây dựng nhắc lại Nghị định 139 của Chính phủ, quy định rõ từ 1/1/2020, các công trình sai phép, không phép phải khôi phục theo đúng quyết định chứ không còn hình thức “phạt cho tồn tại”. “Vấn đề là các địa phương có quyết liệt làm hay không”, Bộ trưởng Xây dựng nói.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng, với những công trình có tính chất chung thì khá dễ, nhưng công trình sai phạm của cá nhân, của người dân thì rất phức tạp, dai dẳng.
Bởi vậy, cùng với vấn đề thực hiện quy định của pháp luật cũng phải tuyên truyền cho người dân để mọi người hiểu các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải tăng cường triển khai thi hành Luật kiến trúc. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, luật này đã quy định rất rõ quy chế quản lý kiến trúc theo hướng các địa phương ban hành và quản lý nghiêm, hướng dẫn thông tin cho người dân nắm được khu vực của mình sẽ quy định về quản lý xây dựng thế nào, quản lý kiến trúc ra sao để người dân hiểu rõ, thực hiện theo.
“Còn về góc độ pháp luật đã có những quy định rất cứng rắn rồi. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là phải thực hiện nghiêm quan điểm không phạt cho tồn tại nữa” , Bộ trưởng Hà tái khẳng định.