Kỷ lục hoàn thành thủ tục làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và khởi công rút ngắn còn một nửa so với các dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn khác.
Thời gian triển khai rút ngắn còn một nửa
Tại họp báo về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT vào chiều nay (28/12), ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược. Trong đó, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc" và "Đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông".
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc. Hiện nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417km, như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600km. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị các bước hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án, trong đó có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.
Dự án được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022) với tổng chiều 729km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km).
Các dự án này đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Dự án trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai.
Ông Lê Quyết Tiến khẳng định, ngay sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 18, trong đó giao nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.
Cụ thể, áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương thực hiện trước các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công.
Rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với các cơ chế đặc thù nêu trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung công việc cụ thể, phối hợp với các bộ ngành tổ chức thực hiện các công việc liên quan với 4 trọng tâm chính, gồm: Lập Khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư của 6 dự án thành phần; Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 dự án thành phần; Thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm của 4 dự án thành phần; Tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án,…
"Các chủ đầu tư, tư vấn và cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đã không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ, khắc phục các khó khăn địa hình hiểm trở, thời tiết mưa nhiều, nắng gắt để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn", ông Tiến cho hay.
Trước đây bình quân một dự án nhóm A sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và khởi công khoảng 2 năm thì đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, nhiều công trình cầu, hầm, độ phức tạp kỹ thuật cao nhưng thời gian triển khai rút ngắn còn một nửa.
Các địa phương đã bàn giao 70% mặt bằng cho dự án
Về công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2022, năm 2023 và là mấu chốt thành công của dự án.
Sau khi nhận bàn giao cọc GPMB, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân có đất bị thu hồi cũng nhận thức được tầm quan trọng của dự án nên đã ủng hộ, sớm nhận tiền bồi thường của dự án.
Đến nay, các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích GPMB, đáp ứng yêu cầu khởi công.
Đến ngày 1/1/2023, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần tại 12 vị trí.
"Như vậy, thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng gần 1 năm, rút ngắn được một nửa thời gian so với các dự án khi chúng ta thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường. Tiến độ thực hiện đến nay đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ", Phó Cục trưởng Lê Quyết Tiến khẳng định.
Để có được kết quả như vậy, đó là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự vào cuộc, hỗ trợ rất trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự thay đổi rất lớn trong phương thức lãnh đạo, tư duy, cách nghĩ, cách làm của Bộ GTVT với một sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai, thực hiện.
Ngoài ra còn có sự cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc của các ban QLDA, đơn vị tư vấn; sự phối hợp đồng thời của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, cơ quan thẩm định, chủ đầu tư để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất. Mặt khác là sự tuyên truyền, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các địa phương trong công tác GPMB.