Kỷ lục không tin nổi của người đàn bà có 100 con, cháu ở Yên Bái
Đến giờ, bà Ương có tất thảy cả con dâu, rể, các cháu chắt nội ngoại là hơn 100 người, đủ để lập một bản mới.
Đến giờ, ngay cả bà Lò Thị Ương cũng vẫn chưa hình dung ra nổi làm sao bà có thể vượt cạn 18 lần thành công. 9 người con gái, 9 người con trai ra đời trong khốn khó, vậy mà đều thành người cả. Cái kỷ lục mà bà Ương đang nắm giữ, e rằng khó có người phụ nữ nào ở đất nước này có thể vượt qua.
Lần ngược ngàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, tôi không thể tin vào mắt mình, khi gặp bà Lò Thị Ương ở bản Hát 2, xã Hát Lìu, người mẹ của 18 người con. Đặc biệt hơn là bà đã “vượt mặt” cả những kiến thức về y học về sinh sản. Bà Ương đã vượt qua tất cả những phụ nữ đang nắm giữ “kỷ lục” về đẻ ở Tây Bắc mà tôi đã từng gặp, như bà Giàng Thị Mái ở xã Xín Chải (Phong Thổ - Lai Châu) có 15 đứa con, bà Giàng Thị Dong ở xã Co Mạ (Thuận Châu – Sơn La) có 17 người con… Một điều dễ nhận thấy nhất trong các gia đình này là nỗi vất vả, khốn khó và đầy gian nan của người mẹ.
Họp gia đình mà như bản làng có… hội
Ngày chúng tôi đến huyện Trạm Tấu trời mưa như trút nước. Mất nửa ngày trời vật lộn với con đường trơn trượt, chúng tôi mới vào tới nhà bà Ương.
Ngôi nhà sàn bề thế nằm bên dòng suối Hát ủ rũ trong mưa. Phía trong nhà tiếng người cười nói rôm rả. Ngoài cửa người ra, người vào tấp nập, khiến chúng tôi ngỡ nhà bà Ương hôm nay có công to việc lớn gì.
Biết có khách đến chơi ông Lò Văn Khiên, chồng của bà Ương ra tận cửa đón. Người đàn ông đã gần 80 tuổi nhưng nom còn khỏe lắm. Ông vồn vã tay bắt mặt mừng, mời khách lên nhà và đỡ đồ giúp chúng tôi.
Chưa biết chúng tôi là ai, ông Khiên đã kéo chúng tôi ngồi xuống sàn nhà “kin lẩu” (uống rượu). Trên sàn nhà, mấy chục con người đã ngồi kín quanh 3 mâm cơm. Già, trẻ, gái, trai đang hăng say chúc tụng nhau. Cảnh ấy khiến tôi ngỡ tưởng bản Hát 2 tổ chức lễ hội gì đó.
“Hôm nay nhà bác có việc gì mà đông người thế?”, nghe tôi hỏi vậy, cả nhà được phen cười ồ. Ông Khiên cũng lấy đó làm điều thích thú, rồi ông rót đầy chén rượu đưa tôi và bảo: “Giữa trời mưa to gió lớn thế này, có khách đến chơi là vui lắm rồi. Thôi nào, việc giới thiệu rồi sẽ làm sau, cứ cạn hết chén này đã…”.
Làm vài chén rượu cho ấm bụng, ông Khiên mới khề khà bảo rằng, tất cả những người trong nhà đều là dâu, rể, cháu chắt trong nhà. Trời mưa, không lên nương được, nên con cháu tập trung ăn uống cho vui.
Bà Ương ngồi bên cạnh nhìn con đàn, cháu đống của mình ăn uống với ánh mắt đầy tự hào. Ấy thế mà bà Ương vẫn tặc lưỡi tiếc rẻ vì vẫn thiếu mất mấy đứa con đang bận công tác nên không về kịp.
Bà bảo: “Nhà tôi mà đủ con, đủ cháu thì phải làm ít nhất là… 15 mâm. Mỗi lần họp gia đình, tôi phải mổ riêng một con lợn vài chục cân mới đủ”.
Vấn lại cái khăn đội đầu, bà nhìn đàn con của mình với ánh mắt đầy tự hào và bảo: “Đến giờ tôi đã có hơn 60 đứa cháu chắt nội, ngoại. Đó là còn chưa tính đến mấy đứa con dâu vẫn còn đang mang bầu, sắp sinh nở. Tính tất tần tật cả dâu rể, đại gia đình nhà tôi có trên 100 người”. Có lẽ, đây cũng là một kỷ lục nữa ở nước ta.
Chiểu theo cái lệ của người Thái nơi đây, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, khoảng 10 năm nữa thôi, riêng gia đình nhà bà Ương có thể đủ tự tin để thành lập một bản mới. Hiện giờ, các con, cháu của bà cũng đã chiếm một phần lớn bản Hát 2 rồi.
Một mình 18 lần vượt cạn
Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng nom bà Ương còn khỏe lắm. Mái tóc bà mới điểm bạc, búi gọn trên đầu để hở cái cổ cao với nước da sáng bóng, khuôn mặt phúc hậu, mắt còn tinh anh, trí nhớ thì tuyệt vời.
Mặc dù đã trải qua 18 lần vượt cạn nhưng dáng người bà còn thon thả. Bà nói năng nhẹ nhàng, đi lại khoan thai. Nói như mấy thầy tướng, bà Ương có dáng người vượng phu ích tử. Bà được ông trời phú cho sức khỏe, nay đã có con có cháu đề huề rồi vậy mà thỉnh thoảng bà vẫn vào rừng hái thuốc. “Tôi khỏe được đến ngày hôm nay là nhờ biết nhiều bài thuốc lá trong rừng đấy!”, bà Ương mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng một niềm tự hào.
Bà Ương là người Thái sống cùng với bố mẹ ở bản Hát (ngày đó bản Hát chưa tách làm 2 bàn như bây giờ). Thuở thiếu nữ bà có tiếng là xinh đẹp và thêu thùa giỏi nhất bản. Nhà ông Khiên ở cách nhà bà một tầm tiếng gọi. Cứ mỗi chiều xuống dòng suối Hát tắm, ông Khiên lại như bị bỏ bùa mê thuốc lú khi nhìn thấy bà Ương đang đứng gội đầu.
Những đêm đi săn về qua nhà bà Ương, đôi chân của ông Khiên như có người ghim lại ở chân nhà sàn. Đến tuổi trưởng thành, ông Khiên nom thấy lồng ngực mình đã căng chật cả áo, trái tim đập rồn ràng cảm giác yêu đương, ông đã mạnh dạn đi “ỉn xao” (tán gái). Như được trời xe duyên, họ đã đến với nhau trong men say hạnh phúc.
Ngày đó, người Thái còn tục ở rể. Muốn đón được vợ về nhà, ông Khiên phải là một “con trâu” tốt chứng minh với bố mẹ vợ đã.
Năm 1952, thị xã Nghĩa Lộ được giải phóng. Vốn là người giác ngộ cách mạng từ sớm, ông Khiên không quản ngại khó khăn, vượt 40km đường rừng ra Nghĩa Lộ học lấy cái chữ của Bác Hồ. Ngay trong năm đó, bà Ương đã cảm thấy có một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên trong bụng mình.
Mang tiếng là ở rể nhưng ông Khiên đi học tối ngày. Từ lúc có thai cho đến lúc đẻ, bà Ương vẫn phải làm hùng hục. Đúng hôm bà trở dạ, mẹ đẻ lại đi vắng. Chỉ có một mình bà ở nhà, bụng mang dạ chửa, bà chẳng gọi được ai giúp. Giữa mùa đông gió rét dữ, vậy mà một mình bà tự lót ổ cho mình.
Đứa con đầu tiên chào đời là con trai. Bà với tay sang cửa liếp, rút cái cật tre cắt rốn cho đứa con trai cả của mình. Khi bố mẹ đi làm nương về, đứa trẻ đã được bà tắm rửa sạch sẽ nằm gọn trong chăn ấm.
Hôm ông Khiên tốt nghiệp lớp bình dân học vụ về nhà khoe với bố mẹ thì ông đón nhận tin vui là mình đã được làm bố. Ông bà đã quyết định đặt tên con là Lò Văn Ơn, để sau này đứa trẻ này nhớ tới công ơn khó nhọc mà bà Ương đã vượt cạn một mình.
Trước đây bản Hát chỉ là một bản nhỏ, có khoảng 20 nóc nhà. Cuộc sống của bà con còn vô cùng khó khăn. Năm nào cái đói giáp hạt cũng ùa về. Chuyện đứt bữa thường xuyên xảy ra. Mang tiếng là ở rể nhưng ông Khiên ít có thời gian giúp việc cho gia đình nhà vợ.
Về bản là ông hăng hái tham gia, mở lớp bình dân học vụ, vận động bà con trong bản, trong xã đi học cái chữ Bác Hồ do chính ông là thầy giáo. Khi đứa con trai đầu tập tễnh biết đi, bà Ương đã lại thấy một mầm sống nữa đang lớn dần lên trong bụng mình. Đứa con gái thứ 2 ra đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Thế là ông bà đã có cả nếp cả tẻ, khỏi phải cố, phải mong gì về con trai, hay con gái nữa.
Có lẽ ngay cả bà Ương cũng không ngờ mình lại có khả năng đẻ khỏe đến thế. Ngày nhỏ bà cũng vất vả lắm. Lên 5- 6 tuổi đã phải trông em. Khi đôi chân biết trèo núi, đi nương, cái tay biết cầm cái cuốc là bà đi làm cùng bố mẹ.
Ngày đó bản chưa có lớp học nên bà không biết chữ. Cuộc sống của người phụ nữ miền sơn cước khi ấy quay theo một cái vòng cố định: Đến tuổi dậy thì là lấy chồng rồi sinh con đẻ cái và làm “ma” của nhà chồng.
Hai đứa con ra đời khiến cuộc sống của gia đình càng khó khăn, vất vả hơn. Bố mẹ của bà Ương ngày càng già yếu, đẻ xong chưa đầy tháng bà đã phải địu con đi làm nương, làm rẫy kiếm cái ăn. Riêng ông Khiên đi hoạt động tối ngày, chẳng mấy chốc có thời gian rảnh giúp đỡ vợ con.
Mà cũng đến lạ, ngày đó ăn đói, mặc rét, làm lụng vất vả là thế mà bà Ương liên tục có bầu. Hết đứa con thứ 3, thứ 4, cho đến thứ 8 lần lượt ra đời. Cứ sòn sòn 1,5 năm bà lại góp thêm một công dân nữa cho bản. 8 đứa con sàn sàn tuổi nhau Khiến bà Ương làm tối ngày cũng không lo đủ cái ăn cho chúng. Có với nhau 8 mặt con đều do một tay bà nuôi nấng, dậy bảo. Ông Khiên vẫn tiếp tục tham gia hoạt động xã hội. Biết được cái chữ nên ông được bà con bầu làm cán bộ xã.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Ương bảo, biết sinh nhiều con là khổ nhưng bà Ương cũng không biết tìm cách nào để “hãm lại”. Vốn là người mắn đẻ, đứa con trước vừa ra đời được chưa lâu, bà Ương lại tiếp tục có thai. Cứ như thế hết đứa này đến đứa khác nối nhau ra đời khiến bà Ương cũng không hiểu mình lấy nghị lực đâu mà đẻ và nuôi cả một đàn con như thế. Sau gần 30 năm chửa đẻ, bà đã là mẹ của 18 đứa con, 9 đứa con trai và 9 đứa con gái.
Gõ mõ… gọi các con khi đến bữa
Kể lại việc này, bà Ương mới bảo, có thể bà đẻ tốt là do biết bài thuốc của bà mẹ chồng. Mẹ chồng bà vốn là người giỏi bốc thuốc, bà biết vô số cây thuốc nam ở trên rừng. Là con dâu của gia đình nên bà được mẹ chồng truyền lại bài thuốc chữa vô sinh và thuốc bổ cho phụ nữ khi mang bầu. Có thể do bà uống nhiều thứ thuốc đó quá nên bà mới mắn đẻ!
Bà Ương kể, cứ mỗi lần chuẩn bị lót ổ là bà vào rừng hái lá thuốc. Khi sinh hạ, bà tự tay đỡ và cắt rốn cho các con. Cả 18 đứa con đều do bà tự đỡ. Một điều khiến y học hiện đại không tin nổi. Điều này ông Khiên cũng xác nhận, cả 18 đứa con đều do bà đỡ cả. Đứa con cuối cùng bà sinh ra là con trai và đặt tên là Lò Văn Niên.
Đàn con của bà Ương lớn lên trong nỗi khó nhọc, cơm không đủ no, áo không đủ mặc ấm khi đông về. Nhắc đến giai đoạn khổ trần ai đó, bà Ương vẫn chưa thể nào quên. Những ngày đói giáp hạt, bà hô những đứa con lớn vào rừng kiếm măng mai, cù mài, củ nâu… để giải quyết cái đói.
Đông con, chồng lại thường xuyên đi vắng nên một mình bà không thể quản lý hết được. Cái khó ló cái khôn, bà liền nghĩ ra một cách là dùng đứa lớn để quản đứa nhỏ giống như việc phân tổ trong lớp học. Mỗi tổ có một đứa con đứng đầu. Ngay cả việc gọi con, bà cũng phải nghĩ ra một chiêu là làm một cái mõ tre treo ở đầu hồi. Khi nào cơm nước nấu xong xuôi, bà không thể tỏa đi khắp bản để tìm chúng về. Đến bữa là bà gõ lên vài hồi mõ tre.
Nếu việc gõ mõ tre chưa có kết quả, bà liền đưa 2 tay tay lên miệng tạo thành một cái loa, hú một hồi dài. Các con bà “bắt sóng” được mớ âm thanh quen thuộc này là biết đường về nhà.
Đẻ nhiều khổ lắm!
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi mấy bà thông gia của bà Ương sang chơi. Các bà lại tíu tít chuyện trò. Bà Ương bảo: “Nhà tôi toàn gắn với con số 18. Tôi có tất thảy 18 con dâu rể và 18 ông bà thông gia”.
Những năm sau này, ông Khiên còn là cán bộ xã nhưng lương ba cọc, 3 đồng nên ông Khiên không giúp được gì nhiều cho vợ. Không giống như phụ nữ ở dưới xuôi, phụ nữ người Thái nơi đây chỉ nghỉ sinh khoảng 1 tháng là đã địu con lên nương. Bà Ương làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn nghèo, vẫn đói. Sáng sớm tinh mơ, ông mặt trời chưa thức dậy, bà đã phải ra nương. Đến khi mặt trời khuất núi mới xuôi dốc về bản. Theo đó, đứa trẻ trên lưng cũng dần quen với cảnh phải đi nương cùng mẹ.
18 đứa con bìu ríu khiến chẳng mấy khi bà Ương có thời gian nghỉ ngơi. Giờ đã ở cái tuổi thất thập xưa nay hiếm vợ chồng bà mới ngộ ra một điều “con đàn cháu đống” không vinh dự gì mà chỉ chuốc thêm nỗi khổ.
9 cô con gái của ông lấy chồng xa, những người con trai ở lại bản, một số anh làm cán bộ đã tự lo được nhà cho mình. Từ lúc ông bà lấy nhau đến nay, cố lắm chỉ lo được cái ăn cho con, chứ không có khả năng dựng nhà cao, cửa rộng cho cho con cái.
Những ngày nhà có việc, ông bà đều khuyên con cháu của mình đẻ ít thôi, chứ ai cũng vỡ kế hoạch như bố mẹ thì khổ lắm. Nương rẫy ngày một ít đi và khó làm hơn. Muốn cuộc sống của con cháu mình sung sướng, việc đầu tiên phải hãm “cái máy đẻ” lại.