Kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về Trái Đất, Trung Quốc cho Starlink 'hít khói'

Một công ty của Trung Quốc vừa lập kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về Trái Đất, 'khủng' đến nỗi có thể truyền phát 10 bộ phim dài trong 1 giây.

Trong một bước tiến vượt bậc, công ty Chang Guang Satellite Technology, chủ sở hữu chòm sao vệ tinh Jilin-1, đã đạt được tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục lên đến 100Gbps từ vệ tinh về trạm mặt đất. Thành tựu này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực truyền thông vệ tinh, đưa Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ không gian toàn cầu.

Trung Quốc lập kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về Trái Đất.

Công nghệ then chốt đứng sau kỷ lục này chính là hệ thống laser truyền thông, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ cao gấp 10 lần so với kỷ lục trước đó. "Hệ thống này giống như việc nâng cấp từ đường một làn xe lên thành cao tốc nhiều làn", ông Wang Hanghang, trưởng bộ phận công nghệ trạm mặt đất của Chang Guang, cho biết. Với tốc độ này, việc truyền phát 10 bộ phim có thời lượng dài chỉ mất vỏn vẹn 1 giây.

Thử nghiệm thành công được thực hiện giữa vệ tinh Jilin-1 02A02, phóng vào năm 2023, và một trạm nhận di động đặt trên xe tải. Thiết kế này giúp khắc phục những thách thức từ thời tiết và nhiễu loạn khí quyển, đảm bảo độ tin cậy cho đường truyền.

Mặc dù tỷ phú Elon Musk và công ty hàng không vũ trụ Starlink đã công bố công nghệ laser liên vệ tinh, nhưng việc triển khai truyền dữ liệu laser từ vệ tinh xuống mặt đất ở quy mô lớn vẫn chưa được thực hiện. Điều này tạo lợi thế cho Chang Guang trong cuộc đua công nghệ. Công ty có kế hoạch trang bị hệ thống laser cho toàn bộ 117 vệ tinh hiện có và mở rộng quy mô lên 300 vệ tinh vào năm 2027.

Công nghệ truyền dữ liệu siêu tốc này mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng, như:

- Mạng 6G: Cung cấp nền tảng cho internet thế hệ tiếp theo với tốc độ và độ ổn định vượt trội.

- Cảm biến từ xa: Thu thập dữ liệu với độ phân giải siêu cao, phục vụ cho các lĩnh vực như giám sát môi trường, dự báo thiên tai.

- Định vị vệ tinh: Nâng cao độ chính xác và hiệu quả của hệ thống định vị toàn cầu.

Chang Guang đang xây dựng thêm nhiều trạm mặt đất trên khắp Trung Quốc để tối ưu hóa hiệu quả truyền nhận dữ liệu. Công nghệ này không chỉ giảm chi phí truyền thông mà còn mở ra tiềm năng to lớn cho các hệ thống vệ tinh tương lai, bao gồm định vị chính xác và internet toàn cầu tốc độ cao.

Với thành tựu này, Trung Quốc khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ không gian, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của internet toàn cầu và các ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Bạch Ngân - SCMP

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-luc-moi-ve-toc-do-truyen-du-lieu-tu-ve-tinh-ve-trai-dat-trung-quoc-cho-starlink-hit-khoi-204250901045102841.htm