Kỷ lục Olympic có thể được viết lại nhờ giày siêu đinh
Những đôi giày siêu đinh công nghệ cao, cùng đường chạy tân tiến thổi làn gió mới vào môn điền kinh tại Olympic Paris 2024.
Keely Hodgkinson, VĐV chạy cự ly trung bình người Anh, ứng cử viên hàng đầu cho huy chương vàng Olympic ở nội dung 800 m, sẽ tham gia thi đấu với đôi giày siêu đinh Air Zoom Victory mới nhất của Nike.
Đôi giày đinh này được cải tiến từ nguyên mẫu ra mắt tại Giải vô địch thế giới năm 2019 và trở nên phổ biến rộng rãi sau đại dịch Covid-19. Chúng là sự kết hợp đột phá giữa chất liệu sợi carbon và lớp bọt siêu đàn hồi.
Trước đó, hồi tháng 5, Hodgkinson cùng HLV Trevor Painter và đồng đội Georgia Bell có chuyến thăm thường niên đến trụ sở chính của nhà tài trợ Nike ở bang Oregon (Mỹ). Họ được thử mẫu giày thử nghiệm mới nhất của hãng thời trang thể thao lớn nhất thế giới.
"Chúng tôi đều thốt lên cùng lúc: 'Cái quái gì vậy?'", HLV Painter nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy đôi giày này, nói rằng chúng giống như đến từ bộ phim khoa học viễn tưởng Back to the Future (1985).
Liệu thiết kế đột phá trên có được đưa vào thực tiễn hay không vẫn chưa chắc chắn, nhưng nỗ lực để cải tiến giày dép thể thao vẫn không ngừng nghỉ. Thêm vào đó, nhờ vào những tiến bộ trong cả giày dép và công nghệ đường chạy, không ít người tin rằng nhiều kỷ lục thi đấu có thể bị phá vỡ tại Olympic Paris 2024, theo Independent UK.
Trước đây, các VĐV hàng đầu không muốn thừa nhận thành tích của họ được cải thiện là nhờ vào giày. Tuy nhiên, quan điểm này dần phai mờ khi ngày càng nhiều người công nhận vai trò quan trọng của giày dép trong việc tăng tốc độ.
HLV Painter nằm trong số những người cởi mở với việc giày chạy ngày càng được cải tiến. Theo ông, thật khó để các VĐV đạt được những thành tựu ấn tượng như hiện nay nếu thiếu đi những tiến bộ công nghệ trong thiết kế giày.
Ông bày tỏ sự tiếc nuối cho những VĐV không có điều kiện sử dụng những đôi giày công nghệ cao này và tự hỏi họ có thể đạt thành tích tốt hơn như thế nào với chúng. Ngày nay, thật khó để nghĩ ra một VĐV hàng đầu nào không sử dụng mẫu giày siêu đinh mới nhất, bất kể quan điểm của họ về loại giày này.
Ở nội dung chạy vượt rào 400 m tại Olympic Tokyo 2020, VĐV người Na Uy Karsten Warholm đã chỉ trích đôi giày Nike của đối thủ Rai Benjamin là “vớ vẩn” và làm tổn hại đến uy tín của môn thể thao này.
Nhưng gần đây, Warholm thừa nhận với The Guardian rằng anh là "kẻ đạo đức giả lớn nhất trên toàn thế giới" bởi phải chấp nhận sự hỗ trợ của công nghệ. Hiện anh đang mang những đôi giày Puma độc đáo với phần mũi giày nhô ra.
Ngoài giày chạy, đường đua cũng được nâng cấp nhằm nâng cao hiệu suất. Các VĐV đã rất ấn tượng với đường chạy tại Olympic Tokyo 2020, với những đánh giá như "điên rồ" và "phi thường". Sydney McLaughlin, VĐV đã phá kỷ lục thế giới chạy vượt rào 400 m nữ, cho biết cô có thể cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng.
Đường chạy tại Thế vận hội Tokyo được thực hiện bởi Mondo, công ty sản xuất Italy đã cung cấp mọi mặt sân cho Olympic từ năm 1976. Đại diện công ty khẳng định đường đua ở Tokyo có mức cải thiện 1-2% so với các mẫu trước đó, và đường đua ở Paris sẽ còn tốt hơn vậy,
Đường chạy ở Olympic Paris 2024 được làm từ 50% vật liệu tái chế, có lớp trên cùng bằng cao su đặc và lớp dưới cùng có các ô tổ ong để hấp thụ lực tác động và hoàn lại năng lượng cho người chạy. Đường đua công nghệ cao trị giá khoảng 2 triệu bảng Anh này nhắm đến bứt phá giới hạn chạy cho cho các VĐV.
Đường đua Olympic Paris được thiết kế nhằm đẩy mạnh giới hạn chạy của các VĐV. Bất chấp những tranh luận về tác động của công nghệ này, chúng vẫn đại diện cho cho sự tiến bộ rõ rệt trong bộ môn điền kinh.
Seb Coe, Chủ tịch Liên đoàn điền kinh quốc tế World Athletics, bày tỏ cảm xúc phức tạp về những tiến bộ công nghệ, chóng song thừa nhận tiềm năng của chúng trong việc phát triển môn thể thao này.