Kỹ lưỡng chọn sách giáo khoa mới
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), năm học 2024-2025 là năm ngành giáo dục sử dụng toàn bộ sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đó, Bộ GD&ÐT đã phê duyệt và công bố danh mục SGK lớp 5, 9, 12 được sử dụng từ năm học 2024-2025. Ðây là cơ sở để các nhà trường lựa chọn SGK đưa vào giảng dạy. Hiện, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương lựa chọn SGK đảm bảo đúng quy định.
Theo danh mục đã được phê duyệt, có 41 SGK của các môn học, hoạt động giáo dục dành cho học sinh lớp 5 được sử dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học tới. Tương tự, số lượng đầu sách được phê duyệt với lớp 9 là 48 sách và lớp 12 là 39 sách. Sau khi có danh sách phê duyệt, các trường được chủ động lựa chọn SGK. Căn cứ Thông tư 27/2023/TT-BGDÐT, việc lựa chọn SGK phải đảm bảo nguyên tắc lựa chọn sách trong danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ÐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Mỗi khối lớp lựa chọn một SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Trên cơ sở các quy định, quyết định của Bộ GD&ÐT, UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh. Tiêu chí lựa chọn SGK là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó, phù hợp với năng lực học tập của học sinh; thuận tiện, hiệu quả đối với giáo viên; phù hợp với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Là một trong những cơ sở giáo dục có 2 cấp học, Trường THCS-THPT Lý Văn Lâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các thầy cô cốt cán tham gia lựa chọn SGK lớp 9 và lớp 12. Thầy Phạm Văn Nguyên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Căn cứ hướng dẫn của Sở GD&ÐT, ngay cuối học kỳ I năm học này, nhà trường đã phân công giáo viên nghiên cứu, khảo sát tìm hiểu, đọc SGK mới môn Vật lý và Tin học lớp 9 và lớp 12, từ đó có những đề xuất, góp ý cụ thể. Bên cạnh đó, nhà trường nhận được 9 bộ SGK của 3 nhà xuất bản. Sau khi tìm hiểu và được sự giới thiệu của đại diện nhà xuất bản, đa số giáo viên nhận xét SGK mới có nhiều đổi mới so với SGK cũ, hình thức trình bày đẹp, bắt mắt; nội dung kiến thức chuyển từ chủ đề của khối lớp này sang khối lớp khác. Sách chuyên đề học tập lựa chọn ở tất cả các môn thì chuyên sâu hơn, nhằm phát triển năng lực học sinh”.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (Phường 8, TP Cà Mau), công tác lựa chọn SGK được nhà trường thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Căn cứ hướng dẫn của Phòng GD&ÐT TP Cà Mau, của Sở GD&ÐT, cũng như quyết định ban hành tiêu chí chọn SGK của UBND tỉnh, nhà trường đã thành lập hội đồng chọn SGK. Trên cơ sở đó, hội đồng đã thành lập các tổ chuyên môn nghiên cứu lựa chọn SGK; phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Trước đó, nhà trường tổ chức cho giáo viên, nhân viên được tập huấn, nghe giới thiệu SGK từ Nhà Xuất bản Giáo dục về 2 bộ sách Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức. Ngoài ra, từ các nguồn tài liệu trực tuyến, nhà trường triển khai cho giáo viên nghiên cứu SGK và sách Tiếng Anh.
Thầy Lương Văn Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, cho biết: “Sau khi nghe ý kiến từ các tổ chuyên môn, Hội đồng lựa chọn SGK đã đề xuất với hiệu trưởng quyết định chọn sách, đề nghị Phòng GD&ÐT thẩm định cũng như tỉnh phê duyệt cho nhà trường thực hiện giảng dạy trong năm học 2024-2025. Bộ SGK được nhà trường lựa chọn, ngoài sử dụng bản giấy còn có nguồn trực tuyến, giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh nghiên cứu SGK điện tử. Qua việc lựa chọn SGK mới cho học sinh lớp 5, nhà trường hy vọng bộ SGK được lựa chọn là ưu việt nhất, giúp giáo viên, học sinh thuận tiện trong nghiên cứu, soạn giảng và học tập”.
Năm học 2023-2024, học sinh lớp 5, 9, 12 vẫn đang học SGK thuộc Chương trình GDPT 2006, đây là năm cuối cùng học theo chương trình cũ. Với tư tưởng đổi mới, sáng tạo, các bộ SGK lớp 5, 9, 12 theo chương trình mới sẽ giúp học sinh tích cực học tập, kết nối những kiến thức và kỹ năng được học để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Ðồng thời, giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai thành công Chương trình GDPT 2018 khi được áp dụng vào năm học 2024-2025./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ky-luong-chon-sach-giao-khoa-moi-a32424.html