Kỹ lưỡng trong giới thiệu người ứng cử
Theo quy định, từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong quy trình này, yêu cầu giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực được đặc biệt nhấn mạnh.
Rõ các tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn, điều kiện liên quan đến công tác nhân sự đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được quán triệt sớm trong các Chỉ thị của Bộ Chính trị, hướng dẫn của T.Ư, trong đó có Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/1/2021 của Ban Tổ chức T.Ư về một số nội dung về công tác nhân sự ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trên cơ sở đó và các quy định liên quan, các tỉnh, TP tiếp tục ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này làm căn cứ thực hiện. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 3/2/2021 về “Công tác nhân sự ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Theo đó, người ứng cử ĐB Quốc hội, HĐND phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tại Hướng dẫn 01, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn nêu rõ, người ứng cử đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước, ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc, nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây).
Các quy định của T.Ư cũng như Hà Nội ngoài tiêu chuẩn chung, đã nhấn mạnh tới các tiêu chuẩn riêng với ĐB Quốc hội chuyên trách. Trong đó, người ứng cử làm ĐB Quốc hội chuyên trách để làm Phó trưởng đoàn ở địa phương phải là Tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TP hoặc tương đương trở lên.
Đối với ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ĐB chuyên trách còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như có trình độ đào tạo đại học trở lên (đối với cấp tỉnh và cấp huyện). Cùng với với đó là những quy định cụ thể khác về vị trí công tác, quy hoạch…
Về độ tuổi, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội, HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa. Cụ thể, ứng cử viên nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. ĐB Quốc hội, HĐND chuyên trách tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021 (nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây). Riêng những người ứng cử là cán bộ quân đội, công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật CAND. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các hội, thực hiện theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2014 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
Không để lọt người không xứng đáng
Trong các chỉ thị, hướng dẫn, đã nhấn mạnh các yêu cầu đối với cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc giới thiệu người ứng cử. Theo đó, phải giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐB Quốc hội và ĐB HĐND. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết.
Các yêu cầu này đã cho thấy sự kỹ lưỡng, thận trọng ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử, để cử tri có cơ sở chọn được những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở T.Ư cũng như địa phương.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy nhấn mạnh, các quy định mới tại các Luật liên quan cũng tạo nên những điểm mới đáng chú ý trong công tác bầu cử lần này. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số lượng ĐB Quốc hội được giữ nguyên là 500 người nhưng tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách được luật quy định tối thiểu 40% (tăng 5% so với trước). Các quy định này sẽ tác động đến công tác chuẩn bị bầu cử, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người ứng cử.
Đối với ĐB HĐND, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định giảm từ 5 - 10% số đại biểu so với hiện nay. Như vậy, trong công tác chuẩn bị nhân sự phải bảo đảm yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng, phải chọn được những ứng cử viên ưu tú, nhiệt huyết nhất để bảo đảm quyền đại diện của cử tri. Đồng thời, việc phát huy dân chủ tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư khi lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử cũng được đặc biệt nhấn mạnh, để có sự đánh giá chính xác, lựa chọn được các ứng viên đủ tiêu chuẩn và xứng đáng nhất.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-luong-trong-gioi-thieu-nguoi-ung-cu-410977.html