Kỹ năng cần thiết xử lý, thoát hiểm khi có cháy
Vụ cháy đêm về sáng ngày 24/5 tại Trung Kính (Hà Nội) khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương, một lần nữa cho thấy mức độ thiệt hại hết sức to lớn từ hỏa hoạn trong khu dân cư.
Với Hà Nội, trước vụ cháy kể trên, tháng 9/2023, người dân đã không khỏi bàng hoàng khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương. Ngày 13/9/2023, sau một ngày xảy vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với ông Nghiêm Quang Minh (chủ của chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy), về tội “vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với 6 cựu cán bộ vì đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, một buổi trưa tháng 8/2022, do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bên trong dàn lạnh điều hòa tại phòng hát karaoke trên phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đã gây ra vụ hỏa hoạn dữ dội. Trong quá trình chữa cháy và cứu nạn, 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh.
Phạm Duy Hùng (người đã mua lại cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke kể trên) đã bị kết án về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Bộ Công an đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo với người dân và hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết để xử lý khi có cháy. Cụ thể, Bộ Công an đưa ra khuyến nghị như sau: Trước hết, người dân cần bình tĩnh, nếu đám cháy nhỏ thì chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.
Cần nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn. Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề, bao gồm lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề…
Đối với các căn hộ độc lập, lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm… Không cố mang theo những đồ có giá trị hay tìm vật nuôi trong nhà, không cố tìm hiểu nguyên nhân đám cháy.
Ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy. Khi lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn chính, nếu ở tầng thấp thì có thể thoát ra ngoài qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng, ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt… Kêu cứu từ cửa sổ. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn. Tuyệt đối không nấp dưới gầm giường hoặc phòng, tủ để đồ.
Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt, bịt vào mũi, miệng. Khi di chuyển tránh chạm vào các đồ đạc có thể dẫn nhiệt gây bỏng. Tuyệt đối không xông qua đám cháy. Luôn giữ cơ thể ở vị trí thấp để tìm đường thoát hiểm, phòng bị nhiễm khói. Nếu quần áo bị cháy, nên dừng lại và lăn người vòng quanh để dập lửa. Tuyệt đối không quay lại khi đã thoát được ra ngoài; không quay vào khu vực bị cháy vì có thể bị nguy hiểm. Nếu bên trong còn có người mắc kẹt, hãy mô tả thật chi tiết để lực lượng cứu hỏa tiếp cận và cứu người một cách nhanh nhất.
Đối với các nhà, công trình có lồng sắt, cần trang bị búa, rìu, kìm cộng lực. Mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm để hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện và phòng ngừa xảy ra cháy nổ, cần bảo quản pin/ắc quy đúng cách, đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện. Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên…