Kỹ năng so sánh, liên tưởng trong Nghị luận văn học
Với môn Ngữ văn, dạng bài Nghị luận văn học chiếm 5/10 điểm cần nhiều kỹ năng. Phân tích là kỹ năng chính, nhưng chỉ dừng lại ở mức cơ bản.
Để thăng hoa cho bài viết cần thuật so sánh, liên tưởng cũng như kỹ năng khác cần được linh hoạt đổi ngôi trong bài luận.
Trong bài văn nghị luận văn học, so sánh được hiểu đơn giản là đối chiếu các đối tượng với nhau trên phương tương đồng hoặc khác biệt. Mục đích chính của so sánh là làm nổi bật đối tượng chính trong tương quan với đối tượng khác. Cũng có khi so sánh chỉ để mở rộng vấn đề.
Có nhiều cách so sánh khác nhau, tùy vào kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm bài của học sinh. Ta có thể so sánh trên các tiêu chí: Giống hoặc khác nhau. So sánh theo phạm trù đặc thù: Tác giả, tác phẩm, niên đại, thể loại, hình tượng nghệ thuật, chi tiết, nghệ thuật...
Liên tưởng tạm hiểu là từ ngôn từ trong văn bản này có thể có khả năng gợi nhắc tới hình ảnh khác trong trí tưởng tượng của người tiếp nhận.
Ví dụ như: Đọc đến hai từ mùa Đông, người đọc có thể liên tưởng đến sương mù, bếp lửa, điệu bộ co ro, hơi thở “tỏa khói” phả sương ảo diệu như người nhả khói thuốc điệu nghệ (dưới góc nhìn hư ảo, nghệ thuật) hay nói đến ánh nắng ta liên tưởng đến trải nghiệm gần gũi là màu lửa cháy, nói đến suy nghĩ của não bộ ta hình dung đến bộ rễ của những cây cổ thụ tỏa rộng, vươn sâu để tụ dưỡng chất nuôi cây và trụ vững cho thân lớn cành cao.
Cũng vậy, não bộ, suy nghĩ không chỉ giúp con người đứng thẳng mà đứng vững giữa muôn vàn sóng gió đời.
Dưới đây là một số ví dụ, tôi mong góp chút ít giúp học sinh có thể vận dụng tốt kỹ năng tăng chất văn cho bài nghị luận văn học.
Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân
Sông Đà hùng vĩ
Chúng ta đều biết, nhà văn Nguyễn Tuân có cái nhìn nhân cách hóa về hình tượng con sông Đà. Có sự tương đồng giữa con sông linh hồn Tây Bắc với con người. Đặc biệt, quãng sông có tên gọi đầy trắc trở - mặt ghềnh Hát Loóng âm thanh nước vang dội va đập “cuồn cuộn”, “gùn ghè” giống tiếng thét của Lý Tiểu Long khi tấn công.
Nếu Lý Tiểu Long thét để huy động nội công (khí - năng lượng gốc), vừa để gồng cơ bụng tránh chấn thương nội tạng, lại vừa để đánh lạc hướng, uy hiếp tinh thần, phân tâm đối thủ thì sông Đà cũng tương tự. Nó hung bạo, cá tính, ngang ngược, luôn muốn khiêu chiến, thách thức đối thủ.
Trong tùy bút Sông Đà, nhà văn ngắm nghía và tái hiện Đà giang như một kiệt nhân mãnh liệt giữa điệp trùng núi non. Thanh âm đó cùng với tính cách mưu trí ở khúc sông khác (cảnh vượt thác) làm cho con sông trở thành đối thủ ngang sức ngang tài với ông đò. Nó bày binh bố trận như dũng tướng bách chiến bách thắng (vòng một cửa sinh bên trái - vòng hai bên phải - vòng ba ở giữa) buộc ông đò đổ mồ hôi sôi nước mắt hao tốn công sức để vượt thác sông Đà.
Nguyễn Tuân dùng âm thanh để tả tính cách Đà giang như nhà sáng lập Triệt quyền đạo dùng tiếng thét để huy động nội công. Nhờ đó, như một mũi tên hai đích đến: Đích đến sông Đà là dòng thủy quái xứng đáng là “chất vàng” của thiên nhiên Tây Bắc, đích đến người lái đò là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” không những chinh phục mà còn làm chủ thiên nhiên nơi đây. Nếu có đích đến thứ ba thì đó là tài năng của nhà văn “xê dịch” nổi tiếng độc đáo, tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân.
Sông Đà thơ mộng
Trong cái nhìn đầy tạo hình và nhân cách hóa của thiên tùy bút Sông Đà, nếu vẻ đẹp hung bạo của dòng sông có chút tương đồng với phẩm chất anh hùng của con người nói chung, của nam nhân nói riêng thì vẻ đẹp thơ mộng, kiều diễm, quyến rũ và bí ẩn của dòng sông này có điểm gần gũi với đại mỹ nhân.
Nếu phải chọn một câu văn ngọt lịm nhất để bật vẻ đại mỹ nhân bí ẩn ấy thì đây: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Điệp từ “tuôn dài tuôn dài” người đọc như nhìn thấy dòng chảy - vóc dáng yêu kiều, kiêu hãnh lẫn diễm lệ đầy mê hoặc của mỹ nhân Đà giang.
Dáng vóc ấy khiến trái tim trai anh hùng cũng tan chảy, càng mê hoặc hơn bởi từ góc nhìn trên cao bao quát được vóc dáng tiên sa ấy Nguyễn Tuân so sánh với “áng tóc trữ tình” thật thướt tha, bí ẩn của người con gái. Và mát. Và ngọt. Và thơm. Phải là siêu mát. Siêu ngọt. Siêu thơm. Mát vì nước chảy từ trong nguồn ra. Ngọt bởi nước chảy qua ghềnh đá như qua những tầng lọc tinh khiết. Thơm bởi… “hoa ban hoa gạo”.
Nếu Đà giang là mỹ nhân thì đó là đại mỹ nhân vì ngoài sắc đẹp trời ban nàng còn thêm đẹp khi biết làm đẹp, mỹ nhân ấy tự điểm tô để tôn thêm cho áng tóc huyền bí của mình thêm HƯƠNG, thêm SẮC bằng cách cài lên đó những hoa ban trắng thơm ngọt ngào và hoa gạo đỏ nổi bật thơm quyến rũ. Cụ Nguyễn viết câu văn cầu kì thế mới tả được một phần vẻ thơ mộng, trữ tình bậc nhất của con sông linh hồn Tây Bắc - xứ sở của núi non trùng điệp, thung lũng miên man, đèo cao uốn lượn, mây dăng bồng bềnh.
Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài
Nói đến Vợ chồng A Phủ ta nhớ ngay đến người phụ nữ miền núi Tây Bắc là cô Mị trong đêm tình mùa Xuân. Đoạn văn là “chiếc cầu” bắc nhịp cho cô Mị quá khứ gặp cô Mị ở tương lai. Đoạn văn miêu tả sự hồi sinh sức sống của Mị như muốn phủ định quá trình bị vật hóa, vô cảm hóa của cô Mị từ khi bị chôn chân chôn luôn thanh xuân sức sống và tài năng ở đất Hồng Ngài, trong nhà giàu mà ác Pá Tra.
Nếu hành động “Lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng” nghĩa đen là thắp sáng căn phòng tối, nghĩa ẩn là sưởi ấm trái tim lạnh giá đến hóa đá của Mị từ khi về làm dâu gạt nợ. Hành động thắp đèn của cô giống anh Tràng sau khi nhặt vợ, trên đường về nhà mua “hai hào dầu”.
Dường như anh Tràng muốn thắp sáng căn nhà u tối của mình. Và hai hào dầu - ánh sáng ấy phải chăng biểu tượng của tình thương yêu, niềm hi vọng: Dù Tràng chỉ tình cờ nhặt được vợ nhưng trân trọng “đầu tư” đến hai hào dầu trong khi nhà chỉ có cháo loãng và cháo cám để ăn, dù thực tế gia cảnh tăm tối đói khát anh vẫn cố gắng hướng về ánh sáng, sự sống, tương lai, yêu thương.
Hai hào dầu ít ỏi về vật chất nhưng trong nạn đói “người chết như ngả rạ” có khi lại là sự sống. Hiểu như vậy người đọc trân trọng anh Tràng đã hào hiệp với vợ nhặt - hành động ấy gặp gỡ với lương tri, với nhã ý muốn vợ nhặt được vui lòng. Đó có thể là hành động nhỏ nhưng lấp lánh tính người, tình người trong thê thảm đói. Đó là chứng nhân cho phẩm cách con người: Nghèo về vật chất - giàu về tinh thần.
Nhà văn Nam Cao cũng dùng ánh sáng để miêu tả sự hoàn lương của Chí Phèo. Gặp thị Nở là một tình cờ, được thị Nở quan tâm chăm sóc là đặc ân Chí được nhận. Nhờ đó, thằng Chí Phèo trở thành anh Chí hiền lương. Nam Cao mượn ngoại cảnh để tả tâm hồn anh Chí “mặt trời chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”.
Mặt trời và ánh nắng là ngoại cảnh nhưng chính là nội tâm, tâm hồn anh Chí đang lấp lánh tính người, tình người như ánh nắng mai kia. Vậy, ánh sáng là một tín hiệu nghệ thuật để dẫn lối nhân vật văn chương - con người đời thường từ cô đơn tìm về ấm áp, từ ốc đảo về kết nối, từ vô vọng tìm về hy vọng, từ chán đời tìm thấy lý lo sống như Mị, Tràng, Chí và nhiều mảnh đời khác.
Nhà văn tài ba là những người không chỉ có biệt tài tổ chức ngôn ngữ mà còn thường gặp nhau trong những tín hiệu thẩm mỹ. Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân có những điểm gặp gỡ tình cờ đầy nghệ tính như thế.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ
Nói đến kịch là nói đến thoại. Mọi thông điệp được đan gài trong lời thoại. Nếu đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt nói lên bi kịch thân nhờ ở đậu, nếu cuộc đối thoại với người thân bật lên bi kịch bị người thân xa lánh và chối bỏ thì màn đối thoại gay cấn với Đế Thích nói lên khát vọng được là chính mình của nửa Trương Ba đáng thương.
Trong cuộc đối thoại với Đế Thích, hồn Trương Ba không muốn tiếp tục sống giả tạo, đau khổ hồn này xác nọ, muốn thoát khỏi thân xác anh hàng thịt, hoặc… chết. Đó là đỉnh điểm của bi kịch không được là chính mình, là khát vọng muốn “được là tôi toàn vẹn” thân xác của Trương Ba, tâm hồn của Trương Ba.
Mị trong “Vợ chồng A Phủ” cũng thế. Sau khi cắt dây mây cởi trói cho A Phủ thì cô có khoảng “đứng lặng trong bóng tối”. Đây là ranh giới giữa hai thế giới: Thế giới của nô lệ và thế giới của tự do.
Ở lại là nô lệ đến chết, chạy đi có tự do nếu chạy thoát. Nỗi sợ cảnh làm dâu gạt nợ không hơn nộ lệ bị đày ải nơi Hồng Ngài khiến cô quên con ma nhà thống lý và chạy theo A Phủ. Đây là hành động bất ngờ nhưng quyết đoán và mạnh mẽ, có chút liều lĩnh nhưng hợp lý.
Mị không thể tồn tại ở đây nữa, cô cần sống: Tự do, tình yêu, hạnh phúc, dù phải trả giá bằng tính mạng. Chạy theo A Sử là hạnh động như hồn Trương Ba thắp hương gọi Đế Thích muốn thoát xác thân anh hàng thịt, sau đó kiên quyết từ chối giải pháp nhập vào xác cu Tị của Đế Thích.
Dù thể loại khác nhau nhưng nhân vật văn học giàu sức sống đều trong hành trình chống lại áp bức, chống lại nghịch cảnh, chống lại sự tha hóa dù phải đơn độc vẫn hướng thiện và hướng thượng trên hành trang đời với gánh nặng số phận và thân phận. Nhà văn thì có nhiều, song chỉ nhà văn tinh anh mới có những cái nhìn mang tính phát hiện như thế.
Việt Bắc - Tố Hữu
Có những câu thơ chỉ thơ một từ, lại có những câu thơ từ nào cũng thơ và hơn cả thơ đến nỗi mỗi câu thơ như một tiểu bài thơ, như một câu châm ngôn hay một lời kinh cầu. “Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn” là một trong những câu thơ kinh cầu khoác áo dung dị. Câu thơ giàu sức gợi, “nguồn” là nơi quê hương của sông, “núi” là mái nhà của cây. Ý câu thơ nhắn nhủ người đi đừng quên Việt Bắc quê hương cách mạng.
Giống câu cổ ngữ Việt nam: “Uống nước nhớ nguồn”. Để làm rõ ý thơ nhắc nhở và nhắn nhủ trên, người viết có thể liên hệ câu thơ phần sau của bài Việt Bắc “Mình về thành thị xa xôi/ Sáng đèn còn nhớ ánh trăng núi đồi?”.
Người ở lại luôn nhớ người ra đi, dặn dò người đi đừng quên, thể hiện nghĩa tình cách mạng giữa người cán bộ về xuôi với nhân dân Việt Bắc. Họ gắn bó suốt 15 năm từng chia ngọt sẻ bùi “Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” nên dùng dằng, luyến lưu, bịn rịn, rơm rớm khi phải chia ly. Giống triết lý của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu).
Nỗi nhớ là biểu hiện của tình yêu thương. Càng yêu thương thì khi chia xa nỗi nhớ càng xa diết, đôi khi khiến người ta ăn không ngon ngủ không yên. Nỗi nhớ thường thuộc về kết nối sâu, tình cảm chân thành, hóa thiêng liêng như đôi lứa yêu nhau, tình cảm gia đình.
Tố Hữu viết về tình đồng đội mà họ thương nhau như người cùng nhà, thiêng liêng hóa, bất tử hóa mối quan hệ bình thường. Đó là tình cảm chân thành, cao đẹp, đáng trân trọng. Thơ Tố Hữu là hồn thi nhân, phải có một suối nguồn Nhân Dân, suối nguồn Việt Bắc thì mới chảy thành dòng nhớ thương khi xa như thế.
Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Sông hương thơ mộng, thơ mộng nhất khi ở trong lòng thành phố Huế: “…chiếc cầu của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Ý Hoàng Phủ Ngọc Tường là ngắm từ xa đoạn cầu Trường Tiền thì ta thấy những vòm cầu hình lưng chiếc lược nhỏ nhắn xinh xắn như “những vành trăng non”.
Đây là cái nhìn liên tưởng của con mắt nghệ sĩ, tâm hồn mộng mơ. Ta hình dung, mỗi vòm cầu có hai bên, Trường Tiền có 6 vài cầu nhân hai là 12 nhịp. Mỗi vòm cầu ở điểm nhìn thi sĩ như một vành trăng non. Đẹp, cong cong, duyên dáng, nhỏ xinh. Thực tế là sắt thép, trong con mắt thi nhân hóa thành những vành trăng non và nền trời.
Nếu nhắm mắt liên tưởng thêm nữa, ta được một bức tranh sau câu văn so sánh độc đáo mộng hóa ấy. Đó là Huế như là cô gái đẹp, sông Hương là áng tóc của tiên nữ giáng trần ấy. Trên tóc cài lên vương miện nhỏ xinh quý giá. Cầu Trường Tiền là vương miện ấy trên suối tóc ấy của mỹ nhân Huế ấy. Đủ mộng mơ chưa nào!
Câu văn hay là câu văn giàu liên tưởng, giúp ta được chìm đắm trong thế giới tưởng tượng. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết một cầu văn hơn cả kẹo như thế. Viết, liên tưởng cầu kì mới đủ tả một góc đẹp của Huế, của sông Hương, của cầu Trường Tiền. Yêu Huế lắm mới làm được điều đó.
Nguyễn Tuân cũng tả dáng kiêu sa như tiên giáng của Đà giang: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời TB bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Bao người sống đời với Huế, hành nghề với Huế và nàng Hương giang, ít người nhìn sông Hương tròn trịa, xinh xắn, duyên dáng, quyến rũ, bí ẩn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay là sông Hương chọn ông, như nàng Kiều của cụ Nguyễn Du chọn chàng Kim?
Vợ nhặt - Kim Lân
Kim Lân là nhà văn đặc biệt. Đặc biệt vì ông viết ít nhưng ám ảnh sâu và lâu. Khi Tràng dẫn vợ nhặt về, lòng người mẹ nghèo hiểu chuyện thương con đến rơi nước mắt: “…trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt”.
Ta biết tuổi già hạt lệ như sương, mòn mỏi một đời mà trở nên bình thản với tất cả, xúc cảm đạt tới cân bằng trước cả đắng cay. Dù vậy, mẹ anh Tràng vẫn xúc động đến không ngăn được dòng rơm rớm rưng rưng.
Hai hàng nước mắt của bà cụ “lọng khọng”, già cả, “điếc lác” là biểu tượng của trái tim người mẹ. Bà hạnh phúc vì con có vợ. Con có người sớt chia đỡ đần, có người bầu bạn khi bà về gặp chồng ở điểm hẹn vĩnh hằng.
Bà khóc vừa mừng cho con trai, vừa tủi thay cho thị vừa biết ơn thị. Nhờ thị theo không về mà con mình mới có vợ. Dòng nước mắt hạnh phúc ấy minh chứng cho trái tim người mẹ là đại kì quan kì vĩ: “Trên thế giới có nhiều kì quan kì vĩ, một trong những kì quan kì vĩ ấy là trái tim người mẹ” như dân gian lưu giữ lời hay ý đẹp. Vài dòng về Kim Lân sao đặng, nhưng mượn Kim Lân để gác bút bài viết này dưỡng sức đi tiếp trong tâm thức ai yêu dòng văn Việt kiểu thuật việt.
So sánh, liên tưởng muôn màu muôn vẻ, tôi tin các em có nhiều phát hiện bất ngờ hơn!