Kỹ năng thoát hiểm khi ô tô rơi xuống nước
Nếu ô tô rơi xuống nước thì thời gian xử lý cho người bên trong chỉ tính bằng giây. Vì vậy, hãy tận dụng và tiết kiệm thời gian cho từng thao tác để thoát khỏi xe…
Hiểu về cơ chế chìm của ô tô
Ô tô lao xuống nước là một tình huống vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc nắm vững các kỹ năng thoát hiểm trở nên cực kỳ quan trọng để bảo vệ tính mạng. Mới đây nhất, vụ sập cầu thép Phong Châu ở Phú Thọ vào sáng 9-9-2024 khiến nhiều người bàng hoàng về mức độ nghiêm trọng và tình huống xảy ra quá bất ngờ. Qua video từ camera hành trình của ô tô lưu thông hướng về phía cầu cho thấy, thời điểm này còn khá nhiều ô tô đi trên cầu.
Trước đó, chiều tối 4-10-2020, một xe ô tô đang lưu thông trên cầu sông Giăng nối 2 xã Thanh Liên và Phong Thịnh (huyện Thanh Chương, Nghệ An) thì tông vào 2 người đang chạy xe máy trên cầu, rồi húc đổ lan can và lao xuống sông khiến 5 người tử vong. Theo đánh giá của Cảnh sát PCCC và CNCH, phần lớn các trường hợp khi xảy ra tai nạn và xe rơi xuống nước dẫn đến tử vong thường là do người trong xe không thể thoát ra ngoài. Khi chiếc xe lao ra không trung và rơi xuống nước sẽ khiến người trong xe bị sốc, có thể ngất tạm thời hoặc hoảng loạn khiến cho việc thoát ra ngoài trở nên khó khăn, nhất là khi người trong xe chưa nắm rõ quy trình thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Do vậy, việc hiểu rõ về cơ chế chìm của ô tô là cần thiết. Khi xe rơi xuống nước, xe sẽ không chìm ngay lập tức mà sẽ nổi một thời gian. Quá trình này có thể mất từ vài giây đến vài phút tùy thuộc vào loại xe và tình trạng bịt kín của cửa xe. Trong khoảng thời gian này, việc hành động nhanh chóng và chính xác sẽ quyết định sự an toàn của người ngồi trong xe.
Giữ bình tĩnh và đánh giá tình huống
Bất kỳ vụ tai nạn xe hơi nào cũng đáng sợ, nhưng bị mắc kẹt bên trong một chiếc xe đang chìm thì lúc này số phận lại do chính người bên trong quyết định. Theo các chuyên gia an toàn, thời gian vàng để thoát ra khỏi ô tô chỉ tính bằng giây. Khi xe vừa tiếp xúc với nước, hệ thống điện trong xe, bao gồm cả cửa sổ điện và khóa cửa, vẫn có thể hoạt động trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, càng nhiều nước tràn vào, áp suất bên ngoài và bên trong xe sẽ dần cân bằng, khiến việc mở cửa trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc thoát ra khỏi xe càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Khi xe vừa rơi xuống nước, các chuyên gia khuyến cáo hành khách không nên hoảng loạn và không gọi điện cầu cứu vì việc gọi điện sẽ mất vài giây quý giá và làm giảm cơ hội thoát thân của bạn. Việc cần làm là tháo dây đai an toàn, bấm nút hạ cửa kính điện nếu còn hoạt động. Trong mọi tình huống khẩn cấp, điều quan trọng nhất là các thành viên trong xe phải giữ bình tĩnh. Hoảng loạn sẽ chỉ khiến con người mất khả năng suy nghĩ và hành động không còn chính xác. Ngay khi nhận ra xe đã lao xuống nước, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tập trung vào việc thoát hiểm.
Theo các chuyên gia, thời điểm vàng có thể mở cửa xe thoát ra là khi mực nước bên ngoài vẫn thấp hơn cửa sổ. Nếu nước đã vượt qua mức này, bạn đừng nên cố gắng mở cửa ô tô theo cách thông thường (kéo khóa và đẩy cửa ra) vì lúc này áp lực nước sẽ khiến cửa nặng, khó mở. Ngoài ra, trường hợp mở được cửa thì nước sẽ tràn vào cabin nhiều hơn, khiến xe bị chìm nhanh. Nếu lựa chọn phá kính, chỉ nên phá kính cửa sổ bên cạnh, tuyệt đối không nên phá kính chắn gió trước hoặc sau bởi lớp kính này dày, khó phá hơn. Nếu có trẻ em trong xe, nên đẩy trẻ ra ngoài qua cửa sổ mở trước bởi sẽ dễ dàng hơn khi đưa trẻ ra ngoài và sau đó đi theo phía sau trẻ hơn là bạn phải quay lại cứu.
Để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp xe rơi xuống nước, người lái ô tô nên để sẵn trong xe các dụng cụ thoát hiểm như búa phá kính, dụng cụ cắt dây an toàn và phổ biến kiến thức tự tháo dây an toàn cho trẻ em, người lớn tuổi. Để thoát hiểm an toàn khi xe bị ngập nước, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản:
Bước 1: Chuẩn bị tư thế ngồi khi tiếp nước
Người điều khiển xe cần dùng cả 2 tay giữ vô lăng điều khiển theo vị trí 9 và 3 giờ. Khi thân xe va chạm với nước sẽ khiến túi khí bung ra, do đó, những vị trí cầm vô lăng khác sẽ khiến phần đầu của người lái dễ va đập dẫn tới bị thương nặng. Hãy nhớ, túi khí bung ra rất nhanh, chỉ trong vòng 0,04 giây sau khi được kích hoạt.
Bước 2: Tháo dây an toàn
Bước tiếp theo mà người lái hay người trên xe cần thực hiện là tháo khóa dây an toàn cũng như hỗ trợ người trên xe tháo dây an toàn ra ngoài. Đây là việc cần thiết nhất khi chiếc xe vừa lao xuống nước.
Bước 3: Mở cửa sổ càng sớm càng tốt
Khi ô tô rơi xuống nước thì xe vẫn hoạt động được khoảng 2 - 3 phút trước khi chìm hoàn toàn. Người ngồi trong xe nên biết tận dụng thời gian đó để mở cửa kính hoặc cửa sổ trời (nếu có), để có thể thoát ra ngoài. Hiện nay, các mẫu xe hầu như đều được trang bị kính điện nên việc mở cửa kính cũng dễ dàng hơn. Ở vị trí người lái có thể mở 4 cửa kính cùng một lúc giúp mọi người trong xe có thể thoát ra ngoài nhanh chóng.
Bước 4: Đập vỡ cửa sổ
Nếu cửa xe chẳng may bị kẹt không thể mở, người trong xe bắt buộc phải đập vỡ nó để thoát ra. Kính chắn gió phía trước xe rất khó vỡ vì có độ bền cao, do đó chỉ nên đập các cửa sổ hay cửa phía sau xe. Trang bị cờ lê, tuốc nơ vít lớn hay búa nhỏ trong hộc chứa đồ để có thể dùng khi đập cửa kính trong các sự cố. Nếu không có các vật trên thì có thể dùng giày cao gót, dùng tay hay chân đạp vào cửa sổ xe để thoát ra ngoài. Lúc đó bạn có thể phải dùng đến máy tính xách tay, hay thậm chí điện thoại để đập vỡ cửa kính xe.
Bước 5: Thoát ra ngoài xe
Thở thật sâu và bơi qua cửa sổ ngay sau khi đập vỡ nó. Nước sẽ tràn vào trong, bạn nên chuẩn bị tinh thần và dùng hết sức để bơi ra ngoài. Cần vứt bỏ giày dép và cởi những quần áo nặng bên ngoài để bơi dễ dàng hơn. Trong trường hợp trong xe có trẻ con, cần ưu tiên kéo trẻ con lên mặt nước càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi xe, chú ý không đạp chân mạnh để không làm người khác bị thương.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-nang-thoat-hiem-khi-o-to-roi-xuong-nuoc-post594355.antd