Kỷ nguyên AI sẽ làm bùng nổ nhu cầu năng lượng khu vực châu Á

Năm năm trước, nếu có ai đó nói rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể 'vẽ theo phong cách của Van Gogh' từ những dòng lệnh bằng chữ, hay yêu cầu chatbot 'làm giúp bài tập về nhà', viết một bài tiểu luận dài 20 trang trong khi câu lệnh chỉ vỏn vẹn chưa đến 500 chữ, đó hẳn là một điều viễn tưởng. Thế nhưng chỉ trong vài năm sau đó, cuộc bùng nổ AI đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, và giờ đây không hề nói quá khi nhận định công nghệ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, công việc của con người.

Theo số liệu của Edge AI and Vision Alliance, có chưa đến 116 triệu người sử dụng AI hàng ngày vào năm 2020. Nhưng đến năm 2024, con số này đã tăng gần 3 lần lên 314 triệu người. Dự báo con số này sẽ tăng “phi mã” đến hơn 729 triệu người vào năm 2030.

Hàng trăm triệu con người này thường xuyên tìm đến chatbot để làm bài tập, nghiên cứu, lập trình, hoặc tạo hình ảnh và video. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu bao nhiêu người thật sự nhận thức được mức năng lượng khủng khiếp đang tiêu tốn đằng sau những dòng “prompt” (hay còn được gọi là “câu lệnh”) cho AI?

Theo dự báo mới được công bố bởi Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley vào tháng 12/2024, đến năm 2028, hơn một nửa lượng điện năng cung cấp cho các trung tâm dữ liệu sẽ được sử dụng cho AI. Khi đó, riêng AI có thể tiêu thụ lượng điện mỗi năm tương đương với 22% tổng số hộ gia đình tại Mỹ.

AI và năng lượng không thể tách rời - Ảnh minh họa

AI và năng lượng không thể tách rời - Ảnh minh họa

Và ở một mặt khác, các trung tâm dữ liệu có xu hướng tiếp tục sử dụng những dạng năng lượng gây tác động xấu đến môi trường, với cường độ carbon cao hơn (như khí gas), để đáp ứng các nhu cầu tức thời, để lại những “đám mây” khí thải phía sau.

Ông YM Tan Sri Tengku Muhammad Taufik, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PETRONAS tại sự kiện Energy Asia 2025 đã nhận định “Toàn bộ hệ thống năng lượng đang phải điều chỉnh để đáp ứng làn sóng nhu cầu này. Trong khi đó, thế giới vẫn chưa thích nghi kịp với xu hướng điều chỉnh các chính sách ESG, đe dọa làm chệch hướng mục tiêu phát thải ròng từ Thỏa thuận Paris”.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PETRONAS, thế giới đang ở ngưỡng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm với trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ nền tảng và châu Á có tiềm năng tham gia định hình thời kỳ này với rất nhiều điểm mạnh, như mật độ dân số cao (chiếm 60% dân số toàn cầu), là thị trường tiêu dùng năng động, có nhu cầu tăng cao và là trung tâm sản xuất toàn cầu.

Ông YM Tan Sri Tengku Muhammad Taufik, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PETRONAS: AI sẽ thay đổi mạnh mẽ và theo cấp số nhân các hệ thống năng lượng một khi được triển khai và vận hành

Ông YM Tan Sri Tengku Muhammad Taufik, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn PETRONAS: AI sẽ thay đổi mạnh mẽ và theo cấp số nhân các hệ thống năng lượng một khi được triển khai và vận hành

Song song với việc tăng mạnh nguồn cung để đáp ứng nhu cầu năng lượng, một chiến lược quan trọng khác cần phải bắt tay vào ngay lập tức chính là tìm kiếm những lựa chọn thay thế phù hợp, vì mục tiêu phát triển bền vững và không “hy sinh” môi trường. Đó cũng là lý do vì sao các cuộc thảo luận tại Energy Asia cũng tập trung vào các giải pháp chuyển dịch năng lượng phù hợp với các quốc gia.

Theo ông Amin Nasser, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn Dầu khí Saudi Arabia (Saudi Aramco), để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, quá trình chuyển dịch năng lượng có thể tiêu tốn tới 200.000 tỷ USD của các quốc gia.

Ông YM Tan Sri Tengku Muhammad Taufik cũng cho biết, để đáp ứng đồng thời tăng trưởng và mục tiêu phát thải ròng bằng 0, châu Á cần đầu tư 88.700 tỷ USD vào năng lượng từ nay đến 2050, bao gồm cả năng lượng truyền thống và tái tạo.

Là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và sở hữu những tiềm năng lớn để dẫn đầu xu hướng chuyển dịch này, như mặt trời, gió, bờ biển dài và các mạch địa chất để lưu trũ cacbon và khí đốt tự nhiên sạch, dồi dào, châu Á có nhiều cơ hội để đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Và để hiện thực hóa tham vọng đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành, đối tác trong – ngoài nước hay khu vực công – tư là yếu tố cốt lõi.

Tầm nhìn toàn cảnh của các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Energy Asia cũng cho thấy, AI và năng lượng không thể tách rời. Do đó, việc cấp thiết là đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ phải song song với trách nhiệm môi trường và tính bền vững dài hạn.

"Xét về hệ sinh thái năng lượng, đây là một bài toán phức tạp, nhưng hoàn toàn có thể được hỗ trợ tốt hơn nếu tận dụng AI đúng cách. Chúng tôi tin rằng AI sẽ thay đổi mạnh mẽ và theo cấp số nhân các hệ thống năng lượng một khi được triển khai và vận hành," Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PETRONAS nhìn nhận.

Đứng trước bối cảnh mới và nhu cầu đã thay đổi, PETRONAS đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: không ngừng cải tiến những ngành cốt lõi, mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng mới và kiên định với mục tiêu hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh thế mạnh dầu khí, PETRONAS sẽ tiếp tục tập trung vào khí tự nhiên - loại nhiên liệu ít phát thải hơn và là nguồn cung ổn định hơn, đóng vai trò quan trọng trong lộ trình giảm phát thải carbon ở các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, tập đoàn năng lượng hàng đầu này cũng tài trợ cho các khoản đầu tư vào năng lượng sạch và công nghệ mới.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ky-nguyen-ai-se-lam-bung-no-nhu-cau-nang-luong-khu-vuc-chau-a-729639.html