Kỷ nguyên của nghệ thuật công cộng
Nghệ thuật công cộng xuất hiện ở nước ta chưa lâu, nhưng giới chuyên gia nhận định, đây là kỷ nguyên để dòng nghệ thuật này phát triển song hành văn hóa đô thị.
Tuy nhiên để nghệ thuật công cộng thực sự phát triển, không chỉ đạt thẩm mỹ văn hóa cảnh quan, mà còn mang tính giáo dục. Nhà nước cần “cởi trói” cho hoạt động nghệ thuật này bằng những quy định mở có tính cụ thể.
Xu hướng nghệ thuật đường phố
Theo họa sĩ Thế Sơn, nghệ thuật công cộng nói chung hay nghệ thuật đường phố (street art) nói riêng còn rất mới và chưa phát triển mạnh ở Việt Nam. Những không gian chung, không gian công cộng trên đường phố hiện vẫn chỉ ưu tiên cho những mục đích phát triển kinh tế bằng những biển quảng cáo.
Nhiều người đã nghe đến nghệ thuật công cộng, tuy nhiên để tận mắt thấy thì có lẽ không nhiều. Tại Hà Nội, một số dự án nghệ thuật công cộng được thực hiện đã thu hút đông đảo công chúng, và làm thay đổi quan niệm “kinh tế vỉa hè – lòng đường”.
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân là một ví dụ điển hình, khi được các nghệ sĩ “khoác tấm áo mới” trên không gian vốn là điểm nóng của rác thải và vấn đề ô nhiễm. 16 tác phẩm sắp đặt như những câu chuyện kể đầy thú vị về hành trình vẻ đẹp đường phố.
Ngay dưới chân cầu Long Biên, với tác phẩm “Phản chiếu song hành”, nghệ sĩ Cấn Văn Ân tạo ra một con thuyền có bề mặt lấp loáng của 5.000 mảnh gương. Cùng chủ đề về con thuyền, họa sĩ Vũ Xuân Đông kết nối gần 10 nghìn vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt thành những con thuyền để nhắc nhớ người dân về lịch sử một Thăng Long – Kẻ Chợ xưa trên bến dưới thuyền.
Họa sĩ Lê Đăng Ninh khiến nhiều người tò mò trước tác phẩm “Nhà nổi” từ những chiếc thùng phuy phế thải. Bờ vở Phúc Tân còn vang vọng tiếng tàu điện leng keng, hát xẩm từ “Xẩm tàu điện” (Phạm Khắc Quang), tiếng rao xưa (Nguyễn Thế Sơn).
Ký ức về Hà Nội xưa tiếp tục hiển hiện sống động với “Song xưa phố cũ” (Trần Hậu Yên Thế), Phù sa (Nguyễn Đức Phương), Đình làng Hà Nội cổ (Vương Văn Thạo).
Giám tuyển nghệ thuật công cộng Phúc Tân - họa sĩ Thế Sơn - cho rằng, dự án là một nỗ lực của chính quyền địa bàn và nhóm nghệ sĩ tình nguyện, nhằm mang lại không gian văn hóa mới.
Có thể thấy rõ sự phấn khởi và tự hào của người dân, khi khu vực sinh sống của họ đẹp hơn. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng cũng giúp người dân hiểu lịch sử khi kể về chính ký ức nơi họ đang sống.
Trên thế giới, không gian nghệ thuật cộng đồng khá phổ biến với những hình thức như các khu vực tượng đài, bích họa, nghệ thuật sắp đặt... ở công viên, quảng trường. Trên các con phố cổ kính của Paris (Pháp), Venice (Ý) hay tại các ga tàu điện ngầm, không khó để bắt gặp hình ảnh những người nghệ sĩ say sưa đàn hát.
Có thể thấy, việc hình thành các không gian nghệ thuật cộng đồng là xu hướng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, đặc điểm chung của ngh ệ thuật cộng đồng là các tác phẩm được lựa chọn để biểu diễn hay trưng bày còn phản ánh sinh động tính lịch sử - văn hóa và tinh thần đương đại.
Cần sự kết nối ba bên
“Nhà nước cần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, đồng hành và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật công cộng. Cần khuyến khích các cơ sở đào tạo nghệ thuật, các trung tâm nghệ thuật liên kết hỗ trợ nguồn nhân lực. Đồng thời lắng nghe các ý kiến chuyên gia và nghệ sĩ để tìm tiếng nói chung trong phát triển nghệ thuật công cộng”, Giám tuyển dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân - họa sĩ Thế Sơn
Cùng với xu hướng phát triển nghệ thuật công cộng, một số địa phương đã tìm hướng đi trong hoạt động du lịch. TP Tam Kỳ (Quảng Nam) được xem là nơi đầu tiên đưa nghệ thuật công cộng vào phát triển kinh tế du lịch, tiếp theo là Hà Nội khi nỗ lực thực hiện hai dự án nghệ thuật Phùng Hưng và Phúc Tân.
“Điều này hoàn toàn chỉ là hiện tượng đơn lẻ và cá biệt trong tình thế “xé rào” vận dụng cơ chế của chính quyền địa phương và nhóm nghệ sĩ tình nguyện. Hoàn toàn chưa hề có sự hỗ trợ mang tính pháp lý hay nguồn lực tài chính từ các cấp cao hơn”, họa sĩ Thế Sơn cho hay.
Những năm gần đây, ở nước ta phổ biến khái niệm “xã hội hóa” kéo theo việc trang trí cảnh quan đường phố bằng đèn led kết hoa điện tử. Hầu như không hề có một chính sách chính thống nào của Nhà nước về việc thực hiện những dự án nghệ thuật đường phố (street art) nghệ thuật công cộng (public art).
Theo nhận định của giới nghiên cứu, đây chính là kỷ nguyên của nghệ thuật công cộng. Nhưng để phát triển đòi hỏi sự kết nối “ba bên”: Chính quyền - nghệ sĩ và người dân. Chính quyền xây dựng cơ chế, quyết định những không gian thích hợp. Nghệ sĩ bảo đảm lựa chọn tác phẩm đẹp, phù hợp không gian và nhu cầu thẩm mỹ. Người dân thưởng thức, có ý thức bảo vệ giữ gìn không gian chung.
Giám tuyển nghệ thuật công cộng Phúc Tân - họa sĩ Thế Sơn - nhận định, yếu tố quan trọng nhất là quan niệm của chính quyền muốn tạo điều kiện để văn hóa nghệ thuật trở thành mục tiêu phát triển. Phải mong muốn thì mới thấy cần có chính sách cụ thể và thực chất, như tiếp cận nguồn ngân sách, miễn thuế, kiểm duyệt…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sáng tạo một không gian nghệ thuật cộng đồng còn cần phải tính đến yếu tố tích hợp, đa năng. Vừa có thể tổ chức triển lãm tranh, vừa có thể vẽ graffiti, lại vừa có thể tạo không gian cho các nhóm biểu diễn nghệ thuật. Khoảng vài năm trở lại đây, nghệ thuật graffiti phát triển mạnh tại TPHCM với nguồn lực được bổ sung năng lượng từ các bạn trẻ Việt kiều.
Các tác phẩm này thường có cách thể hiện gần gũi, mọi người đều có thể hiểu, cảm nhận và tham gia tương tác. Qua đó giúp gắn kết mọi người với nhau, gắn kết con người với nghệ thuật, và làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/ky-nguyen-cua-nghe-thuat-cong-cong-EtbbOQD7R.html