Kỷ nguyên 'đi lại tự do' dần khép lại?
Brussels đang nhanh chóng hoàn thiện các quy định mới, cho phép Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng hơn trong việc đình chỉ chế độ miễn thị thực đối với công dân của 61 quốc gia hiện đang được hưởng quyền này. Giới quan sát nhận định, động thái này không chỉ phản ánh sự cứng rắn hơn trong vấn đề di cư bất hợp pháp mà còn cho thấy EU đã sẵn sàng sử dụng chính sách thị thực như một đòn bẩy chính trị mạnh mẽ hơn.

Liên minh châu Âu siết chặt chính sách thị thực. Ảnh: Getty Images
Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi xướng đề xuất sửa đổi cơ chế đình chỉ thị thực từ năm 2023 và nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng EU vào năm 2024. Sau những lần trì hoãn do cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6.2024, cũng như tình trạng tồn đọng pháp lý, cuối cùng Nghị viện châu Âu cũng đã bước vào cuộc đàm phán. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, luật mới có thể được áp dụng ngay từ mùa thu năm nay.
Theo báo cáo của Schengen.news, những thay đổi về chính sách thị thực có thể ảnh hưởng đến các quốc gia ứng cử viên muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu như Kosovo, Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia, cũng như Georgia, Ukraine và Moldova.
Tại sao lại vào thời điểm này?
Dư luận hiện đang đặt ra câu hỏi: Điều gì đã thúc đẩy EU thực hiện việc thắt chặt chính sách thị thực vào thời điểm này? Theo đó, các chuyên gia nhận định, có hai yếu tố chính khiến EU trở nên quyết đoán hơn khi nói đến việc tự do hóa thị thực. Thứ nhất, EU đang ngày càng lo ngại về tình trạng di cư bất hợp pháp và muốn thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới; thứ hai, có khả năng sử dụng chính sách thị thực như một công cụ chính trị để gây áp lực lên các nước thứ ba.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Biên phòng và Bảo vệ Bờ biển Châu Âu (Frontex) gần đây đã tiết lộ rằng, số lượng người vượt biên trái phép vào EU đã giảm 31% trong quý đầu tiên của năm 2025, xuống còn khoảng 33.600 người. Theo Fronte, sự sụt giảm này được ghi nhận trên tất cả các tuyến di cư chính vào EU, với mức giảm từ 64% dọc theo tuyến Tây Balkan đến 8% dọc theo biên giới đất liền phía Đông. Tuy nhiên, bất chấp số liệu thống kê gần đây do Frontex cung cấp, di cư trái phép vẫn là một trong những chủ đề chính trong các cuộc đàm phán giữa các cơ quan chức năng ở các nước EU.
Chế độ Tự do hóa thị thực (trong trường hợp này bao gồm tất cả các thành viên EU ngoại trừ Ireland, cũng như các nước không phải thành viên Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ) từ lâu đã được xem là một trong những chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Brussels, đặc biệt là đối với các quốc gia lân cận. Chế độ này cho phép công dân từ các quốc gia thứ ba được nhập cảnh và lưu trú tại khu vực Schengen tối đa trong 90 ngày mà không cần thị thực. Vào đầu năm 2024, Kosovo đã được đưa vào danh sách sau Georgia và Ukraine vào năm 2017. Do đó, mối đe dọa thu hồi đặc quyền này có thể được coi là một “biện pháp trừng phạt” đáng kể.
Cơ chế đình chỉ hiện hành, đã có hiệu lực từ năm 2018, có thể được kích hoạt trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc lạm dụng. Ví dụ, nếu có sự gia tăng mạnh về số lượng công dân nước thứ ba lưu trú lâu hơn 90 ngày được phép hoặc sử dụng quyền tự do đi lại để xin tị nạn tại EU. Cho đến nay, quốc đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương là trường hợp duy nhất bị EU đình chỉ chế độ miễn thị thực vĩnh viễn.
Biến thành công cụ răn đe hiệu quả
Theo rferl, có bốn yếu tố chính mà Brussels muốn sửa đổi để biến cơ chế đình chỉ thị thực trở thành một công cụ răn đe mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Đầu tiên, việc tự do hóa thị thực có thể bị đình chỉ nếu không có sự nhất quán giữa các chính sách thị thực của nước thứ ba và chính sách chung của EU. Một ví dụ điển hình của tình huống này, đó là vào năm 2022, Serbia cho phép áp dụng chế độ miễn thị thực cho công dân của các quốc gia như Burundi, Ấn Độ và Cuba. Động thái này đã khiến Brussels lo ngại rằng, nhiều công dân trong số đó đã sử dụng Serbia như “một cửa sau” để nhập cảnh vào EU. Sau áp lực từ Ủy ban Châu Âu, Serbia đã hủy bỏ một số thỏa thuận đó. Tuy nhiên, với luật mới, EU sẽ có thể hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn trong những trường hợp như vậy.
Thứ hai, EU đã đưa ra khái niệm về “mối đe dọa lai”, coi đây là một lý do để đình chỉ thị thực. Mặc dù điều khoản này vẫn chủ yếu mang tính lý thuyết, nhưng nó được hình thành dựa trên các trường hợp như Nga và Belarus, khi EU cáo buộc hai quốc gia này cố tình tạo điều kiện cho người di cư từ châu Phi và châu Á đến biên giới EU, đặc biệt là qua biên giới Ba Lan và Litva. Dù các thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho thị thực với Moscow và Minsk đã bị đình chỉ trong nhiều năm, song cơ chế mới sẽ cho phép EU đối phó với quốc gia miễn thị thực khác, nếu quốc gia đó sử dụng một chiến thuật tương tự.
Thứ ba, việc tự do hóa thị thực trong tương lai cũng có thể bị dừng lại nếu một quốc gia triển khai Chương trình nhập quốc tịch theo hình thức đầu tư được gọi là chương trình Hộ chiếu vàng. Các chương trình này được cung cấp tại một số quốc gia EU, mang đến cho những công dân giàu có ngoài EU cơ hội mua quốc tịch tại các quốc gia cung cấp quyền công dân để đổi lấy các khoản đầu tư tài chính và đáp ứng các điều kiện bắt buộc. Việc các quốc gia áp dụng chương trình “mua quốc tịch” cho nhà đầu tư mà không yêu cầu bất kỳ mối liên hệ thực tế nào với quốc gia đó, có thể dẫn đến việc bị đình chỉ chế độ miễn thị thực với EU trong tương lai. Bởi Brussels lo ngại rằng, các chương trình này có thể tạo ra rủi ro về an ninh và rửa tiền.
Thứ tư, liên quan đến quan hệ chính trị của EU với các nước thứ ba. Dự thảo luật quy định rằng cơ chế đình chỉ có thể được kích hoạt trong trường hợp “vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng” hoặc “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm luật nhân quyền và không tuân thủ các quyết định và phán quyết của tòa án quốc tế”. Các quan chức EU thường nhắc đến “tiêu chuẩn dân chủ” như một điều kiện tiên quyết cho việc tự do hóa thị thực, tuy nhiên định nghĩa chính xác về tiêu chuẩn này vẫn chưa bao giờ được làm rõ.
Đáng chú ý, việc kích hoạt cơ chế đình chỉ trong trường hợp vi phạm nhân quyền sẽ là đặc quyền riêng của Ủy ban châu Âu sau khi tham vấn với các quốc gia thành viên, vì Ủy ban này phụ trách các vấn đề đối ngoại của khối. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc đình chỉ chế độ miễn thị thực vẫn sẽ thuộc về các quốc gia thành viên thông qua đa số phiếu.
Các quan chức EU cho biết, phạm vi của cơ chế đình chỉ sẽ tiếp tục được thảo luận để mở rộng hơn nữa trong tương lai, điều này cho thấy EU đang có một sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách thị thực, từ một công cụ khuyến khích hội nhập và hợp tác sang một công cụ răn đe và bảo vệ lợi ích của khối.