Kỷ nguyên mới cho Nhật Bản và các đảo Thái Bình Dương

Ngày 16/7, lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10, kéo dài 3 ngày, bàn về các vấn đề an ninh và môi trường. Hội nghị hứa hẹn mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Nhật và các đảo Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo của 18 quốc đảo và khu vực Thái Bình Dương đã nhất trí tăng cường vai trò của Nhật Bản trong quá trình phát triển khu vực, đồng thời phản đối mọi hoạt động cưỡng ép, trong tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh, khi Tokyo tìm kiếm sự tham gia lớn hơn để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhất trí rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ và hợp tác nhiều hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh và quốc phòng hàng hải, phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác. Họ coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với sinh kế, an ninh và phúc lợi của người dân Thái Bình Dương”, thể hiện cam kết tăng cường hợp tác để hỗ trợ khu vực này giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Tuyên bố nhấn mạnh “quyền tối thượng” của hòa bình và ổn định và chia sẻ “tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên luật lệ phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10.

Các đại biểu tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10.

Theo tuyên bố, đại biểu tham dự PALM bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, hoặc cưỡng ép ở bất kỳ nơi nào trên thế giới". Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại họp báo chung sau cuộc gặp rằng Nhật Bản và các nhà lãnh đạo đảo “chia sẻ các giá trị và nguyên tắc như pháp quyền, dân chủ và phản đối các nỗ lực thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.

Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown - đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh năm nay - hoan nghênh cách tiếp cận của Nhật Bản trong việc hợp tác với các thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) “như những người bình đẳng” để đạt được chiến lược năm 2050 cho Thái Bình Dương Xanh, “tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực hòa bình, hòa hợp, an ninh, hòa nhập xã hội và thịnh vượng”. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua kế hoạch hành động hợp tác trong 7 lĩnh vực, bao gồm khả năng phục hồi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, quản lý bền vững đại dương, khả năng phục hồi kinh tế, "đảm bảo phát triển lấy con người làm trung tâm", đầu tư vào công nghệ và kết nối. Ông Brown cho biết tuyên bố cần phải được đưa vào hành động, đồng thời nói thêm rằng khu vực này đang gặp khó khăn trong việc nhận được tài trợ cho khí hậu và hoan nghênh việc Nhật Bản cân nhắc đóng góp nhưng kêu gọi nước này "sớm xác nhận".

Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương đã trở thành tâm điểm quan ngại về an ninh của Nhật Bản và đồng minh Mỹ cùng các đối tác khu vực của họ như Australia và New Zealand trong những năm gần đây khi Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện trong khu vực, nơi nhiều quốc đảo phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, cũng như nhiều quốc gia khác. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong, người có mặt tại cuộc họp, phát biểu với các phóng viên rằng: “Thái Bình Dương đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và an ninh của chúng ta” và rằng đất nước của bà cũng muốn tham gia nhiều hơn vào khu vực này với tư cách là một gia đình PIF.

Australia và Trung Quốc đã có mối quan hệ căng thẳng trong nhiều năm chủ yếu vì vấn đề thương mại, mặc dù gần đây mối quan hệ đã có phần cải thiện. Wong cho biết bà không thể nói thay cho các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác nhưng cho biết nhiều người cũng chia sẻ mối quan tâm này. Bà nói: "Nếu bạn xem xét các thông cáo và tuyên bố khác nhau từ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương trong 2 năm qua, bạn sẽ thấy rằng thực tế cạnh tranh là điều mà các nhà lãnh đạo đó đang quan tâm". Bà Wong ca ngợi “cách hợp tác tôn trọng” của Nhật Bản với Thái Bình Dương và các ưu tiên của nước này là “một mô hình về cách các đối tác đối thoại bên ngoài nên tương tác với khu vực”.

Nhật Bản đã tìm cách chia sẻ với các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và cởi mở trong khu vực, đồng thời lưu ý đến Trung Quốc nhưng không nêu rõ. Nhật Bản rất muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương mặc dù nước này đã là nhà tài trợ lớn thứ hai và có sự hiện diện ngoại giao lớn thứ hai trong khu vực. Nước này đã liên tục tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển ở Thái Bình Dương, cũng như tăng cường hỗ trợ an ninh thông qua Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào khu vực Thái Bình Dương về thực phẩm, với 40% lượng cá ngừ tiêu thụ trong nước đến từ vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Thái Bình Dương.

PALM10 là cơ hội quan trọng để khôi phục kizuna (mối liên kết) giữa Nhật Bản và PIC đã bị rạn nứt trong những năm gần đây, đồng thời đặt nền tảng cho quan hệ đối tác cùng nhau giải quyết các thách thức quốc gia, khu vực và toàn cầu. Sự kiện này được thiết lập để báo hiệu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương, một kỷ nguyên sẽ kéo dài trong tương lai.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ky-nguyen-moi-cho-nhat-ban-va-cac-dao-thai-binh-duong-i738130/