Kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico và bổ sung thuế quan 10% đối với Trung Quốc.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo sắc lệnh của ông Trump, các sản phẩm năng lượng từ Canada sẽ chỉ chịu mức thuế 10%, nhưng năng lượng nhập khẩu từ Mexico sẽ phải chịu mức thuế 25%.

Ông Trump cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để triển khai các biện thuế quan mới, cho phép Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng rãi để giải quyết các cuộc khủng hoảng.

Nhà Trắng cho biết, các mức thuế quan mới là cần thiết để buộc Trung Quốc, Mexico và Canada ngăn chặn ma túy tràn vào Mỹ. Sản lượng fentanyl đang tăng ở Canada và lượng fentanyl bị tịch thu ở biên giới phía Bắc vào năm tài chính trước có thể giết chết 9,8 triệu người Mỹ. Ngoài ra, tình trạng vượt biên trái phép từ Canada đã đạt mức cao kỷ lục mới hàng năm trong bốn năm tài chính gần đây.

Ngay sau khi Mỹ thông báo về mức thuế quan mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, chính quyền của ba quốc gia này đã có phản ứng nhanh chóng.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ người dân. Canada sẽ áp thuế 25% đối với 155 tỷ CAD (106,5 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ. Ông Trudeau cũng đặt câu hỏi về các cáo buộc của Tổng thống Trump, khi nói rằng chưa đến 1% fentanyl vào Mỹ đến từ Canada và chưa đến 1% người di cư bất hợp pháp của Mỹ đến từ Canada. Thủ tướng Trudeau cũng cho biết Canada đang giải quyết lời kêu gọi của ông Trump về an ninh biên giới bằng cách thực hiện một kế hoạch biên giới trị giá 1,3 tỷ CAD (900 triệu USD) bao gồm việc triển khai các máy bay trực thăng, đội chó nghiệp vụ mới và các công cụ chụp ảnh.

Đối với Canada, dự kiến, hàng hóa bị ảnh hưởng từ các rào cản thuế quan mới của Mỹ sẽ bao gồm một số vật liệu, rượu, trái cây, quần áo và đồ gia dụng. Hiện tại, hơn 75% hàng xuất khẩu của Canada là sang Mỹ. Trong khi đó, 17% hàng xuất khẩu của Mỹ là sang Canada.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng đánh tín hiệu rằng chính phủ của bà sẽ áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ. Bà Claudia Sheinbaum nhấn mạnh rằng các cáo buộc của Nhà Trắng cho rằng chính phủ của bà đang hỗ trợ những kẻ buôn bán ma túy đứng sau cuộc khủng hoảng fentanyl ở Mỹ là vu khống.

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết nước này kiên quyết phản đối mức thuế quan mới mà ông Trump áp đặt đối với Trung Quốc, cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc.

Trước phản ứng từ Canada, Mexico và Trung Quốc, Nhà Trắng cho biết lệnh của ông Trump cũng bao gồm một cơ chế để tăng thuế suất nếu các nước này trả đũa Mỹ. Riêng đối với trường hợp của Canada, họ cho biết miễn trừ thuế quan “de minimis” của Mỹ đối với các lô hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD sẽ bị hủy bỏ.

Với quyết định thuế quan mới, Tổng thống Mỹ đang đánh cược rằng ông có thể gây sức ép buộc các đối tác thương mại của Mỹ tuân thủ mong muốn của Washington, ở thời điểm mà chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người Mỹ.

Đối với thế giới, nước cờ mở đầu của ông Trump về thương mại sẽ buộc một loạt quốc gia phải đàm phán về mọi thứ, từ thâm hụt thương mại và chính sách tiền tệ đến nhập cư và thậm chí cả mong muốn mở rộng lãnh thổ của Mỹ. Thị trường tài chính có thể bị rung chuyển và nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng.

Giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell cho biết, mức thuế quan này báo hiệu một kỷ nguyên mới về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các đối tác thương mại của Mỹ, bất kể là đối thủ hay đồng minh, và sẽ làm gián đoạn đáng kể thương mại quốc tế.

Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Mexico và Canada do các nước này phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế Mỹ. Cả hai nước đều sẽ đối mặt với suy thoái nếu Mỹ duy trì mức thuế quan 25%. Thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa bởi thực tế là chưa đầy sáu năm trước, hai quốc gia này đã ký một thỏa thuận thương mại mới với ông Trump với hy vọng rằng nó sẽ ổn định quan hệ với Mỹ.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho biết tác động kinh tế vĩ mô sẽ phụ thuộc vào mức độ toàn diện của gói thuế quan của Mỹ và tốc độ áp dụng của nó.

Theo các nhà kinh tế, một số tác động có thể được giảm bớt bằng cách tăng giá đồng USD và thay thế hàng hóa sản xuất trong nước của Mỹ, trong khi các tập đoàn có thể chọn hấp thụ một số chi phí tăng thông qua biên lợi nhuận thấp hơn. Nhưng quy mô các bước đi đầu tiên của ông Trump, nếu được thực hiện đầy đủ, có vẻ lớn hơn nhiều so với các cuộc chiến thương mại hạn chế hơn chống lại Trung Quốc và các đồng minh G7 trong nhiệm kỳ trước của ông.

Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics cho biết, đây có thể là một cuộc chiến thương mại được tăng cường. Vòng đầu tiên có mục tiêu rõ ràng hơn. Bây giờ, chúng đang lan trên diện rộng và nhanh hơn mong đợi.

Everett Eissenstat, cựu cố vấn kinh tế của ông Trump và hiện làm việc tại công ty luật quốc tế Squire Patton Boggs, cho biết: Các mức thuế quan sẽ được áp dụng theo cách có cân nhắc hơn, nhưng hiện tại nó có vẻ đang leo thang.

Tổng thống Mỹ muốn sử dụng thuế quan để bù đắp cho khoản ngân sách chi trả cho việc gia hạn cắt giảm thuế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng Shearing cho biết các biện pháp mà ông Trump đề xuất có thể đẩy lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lên trên 3%, so với mức 2,6% hiện nay. Bên cạnh đó, các khoản thuế nặng nề hơn đối với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ đẩy mức tăng trưởng giá của Mỹ lên cao hơn nữa.

James Knightley, nhà kinh tế quốc tế trưởng tại Mỹ của tập đoàn tài chính ING cho biết đây sẽ là một đòn giáng mạnh, đặc biệt là đối với các gia đình lao động Mỹ bao gồm những người từng đã bỏ phiếu cho ông Trump. Ông James Knightley cảnh báo về "nỗi đau" kinh tế đối với người dân vào cuối năm nay, đặc biệt nếu thuế quan mở rộng sang châu Âu.

Đối với kinh tế toàn cầu, ông Knightley dự báo về một cú sốc lớn về nguồn cung, tương tự như những gì xảy ra trong đại dịch COVID-19, gây thiệt hại lớn khi các quốc gia phản ứng với thuế quan của Mỹ.

Mô hình đánh giá tác động kinh tế của nhà kinh tế trưởng Greg Daco thuộc công ty tư vấn chiến lược toàn cầu EY-Parthenon cho thấy, kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ làm giảm tăng trưởng của Mỹ 1,5 điểm phần trăm trong năm 2025, đồng thời đẩy Canada và Mexico vào suy thoái và dẫn đến ‘lạm phát đình trệ’ trong nước, cũng như gây ra sự biến động của thị trường tài chính.

Hữu Tiến (Pv TTXVN tại London)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ky-nguyen-moi-cua-chu-nghia-bao-ho-cua-my-20250202220206442.htm